Năm 2016, Luật Trẻ em chính thức có hiệu lực là cơ sở pháp lý quan trọng để bảo vệ, chăm sóc trẻ em. Hãy lắng nghe những ý kiến của các “teen” đóng góp xây dựng về quyền tham gia của trẻ em nhé!
Bạn Phạm Thùy Dương (10 tuổi, học sinh trường Tiểu học Phú Diễn, Hà Nội) bày tỏ quan điểm: "Mình mong muốn trẻ em sẽ được bảo vệ không chỉ ngoài xã hội mà còn cả trong trường học. Nhà trường cần tạo điều kiện để chúng mình được tham gia nhiều hoạt động nâng cao những kỹ năng cần thiết trong cuộc sống. Những điều khoản trong Luật Trẻ em hay quyền tham gia trẻ em sẽ bảo vệ và công nhận tiếng nói của chúng mình tại nhà trường, để chúng mình được đảm bảo các quyền lợi khi tham gia sinh hoạt, học tập trên trường lớp".
Bạn Nguyễn Hữu Thanh Tùng (Hà Nội) chia sẻ mong muốn các tổ chức xã hội tổ chức nhiều hoạt động nâng cao để các bạn nhỏ được tham gia những hoạt động này: “Theo mình, tiếng nói của trẻ em cần được tôn trọng ở ngoài xã hội. Các điều luật cần nêu rõ người lớn và xã hội cần lắng nghe và công nhận những gì mà chúng mình phát biểu. Nhất là trong những hoạt động liên quan trực tiếp đến trẻ em, mình mong muốn cá nhân mình cũng như các bạn khác đều có quyền được nói lên những suy nghĩ, đóng góp những ý kiến đối với các vấn đề xã hội”.
Bạn Nguyễn Thu Mai (quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội): “Theo mình, luật về trẻ em, các quyền tham gia của trẻ em cần có những điều khoản nêu rõ trẻ em cần được tôn trọng ngay ở trong gia đình mình. Để bố mẹ mình sẽ lắng nghe những sở thích, ý kiến của cá nhân mình. Cũng như, quan tâm và chia sẻ những vấn đề vướng mắc mình gặp phải để mình có được những lời khuyên đúng đắn nhất từ phía bố mẹ”.
Luật Trẻ em năm 2016, tại Điều 34, Chương 1, Mục 1 có quy định: Trẻ em có quyền được bày tỏ ý kiến, nguyện vọng về các vấn đề liên quan đến trẻ em; được tự do hội họp theo quy định của pháp luật phù hợp với độ tuổi, mức độ trưởng thành và sự phát triển của trẻ em; được cơ quan, tổ chức, cơ sở giáo dục, gia đình, cá nhân lắng nghe, tiếp thu, phản hồi ý kiến, nguyện vọng chính đáng. |