Điểm cực Bắc của Tổ quốc là cột cờ Lũng Cú được dựng trên đỉnh Long Sơn, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang. Mảnh đất với những cung đường đèo uốn lượn, những ngôi nhà trình tường cổ kính đặc trưng trên nền đá tai mèo, điểm xuyết là sắc màu rực rỡ của váy áo thổ cẩm của những chàng trai, cô gái xuống chợ phiên ngày Tết.
Còn điểm cực Tây của Tổ quốc là A Pa Chải (thuộc xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên) với cột mốc không số nằm trên đỉnh Khoang La San, nơi chỉ “một tiếng gà gáy, ba nước đều nghe”. Vào những ngày áp Tết, đồng bào dân tộc nơi đây xúng xính váy áo, rộn ràng xuống chợ phiên sắm Tết.
Đến với điểm cực Đông trên đất liền nằm tại Mũi Đôi, thuộc huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa, là nơi đón ánh nắng đầu tiên trên lãnh thổ Việt Nam bạt ngàn cát trắng, biển xanh biếc một màu, người dân cũng như du khách thường đến chiêm ngưỡng cảnh sắc vào dịp đầu Xuân mới.
Tại điểm cực Nam, điểm xa nhất về phía Nam của Tổ quốc, thuộc địa phận xóm Mũi, xã Ngọc Hiển, huyện Năm Căn, tỉnh Cà Mau, du khách lại thích thú ngắm những con đường rợp cờ hoa. Tất cả tạo nên một sắc Xuân tươi mới, báo hiệu một năm Tân Sửu đầy may mắn và an lành.
Người dân đi chợ phiên Lũng Cú sắm Tết. Chợ họp ngay dưới chân cột cờ Lũng Cú, xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn, tỉnh Hà Giang vào thứ 6 hàng tuần.
Đồng bào dân tộc Mông tại xã Ma Lé, huyện Đồng Văn chuẩn bị đón Tết Nguyên đán Tân Sửu.
Vào những ngày cận Tết, người dân trên địa bàn xã Sín Thầu, huyện Mường Nhé, tỉnh Điện Biên tấp nập đi chợ A Pa Chải mua sắm đồ dùng trưng Tết.
Vào dịp Tết, khách du lịch thường lên Mũi Đôi, huyện Vạn Ninh, tỉnh Khánh Hòa khám phá điểm cực Đông trên đất liền để chinh phục gian nan, thử thách, rèn luyện bản thân và chào đón một năm mới với nhiều may mắn.
Khu du lịch Khai Long - Khu du lịch quốc gia Đất Mũi, là điểm đến hấp dẫn để du khách tham quan, chiêm ngưỡng cảnh đẹp trong dịp Tết Nguyên đán.
Nhân viên Khu du lịch quốc gia Đất Mũi trang trí tiểu cảnh thuyền hoa trước Cột mốc Đường Hồ Chí Minh, điểm cuối Cà Mau.
(theo Biên Phòng)