"Siêu kỷ lục" trong thế giới động vật

Khoa học Khám phá
Một số loài động vật tưởng chừng rất đỗi bình thường nhưng lại đang nắm giữ những kỷ lục khó tin trong tự nhiên. Cùng tìm hiểu xem chúng là những con vật nào nhé!

Khỏe nhất: Bọ cánh cứng

Theo các nhà nghiên cứu, một chiếc vòi voi có tới 100.000 cơ bắp và nó có thể nâng được vật nặng lên tới 270 kg. Những con số “biết nói” này quả thực rất ấn tượng, nhưng nếu xét theo tỉ lệ sức mạnh so với khối lượng cơ thể thì loài voi vẫn còn kém xa một loài côn trùng bé nhỏ, đó chính là bọ cánh cứng.

Kích thước của bọ cánh cứng tất nhiên là khiêm tốn hơn nhiều so với loài voi “siêu to khổng lồ”. Thế nhưng “bé mà có võ”, chúng có thể nâng một vật nặng gấp 850 lần khối lượng cơ thể. Nếu có được sức mạnh như bọ cánh cứng, một người trưởng thành có thể nâng được khối lượng tới 65 tấn cơ đấy!

Nhảy cao nhất: Ve sầu nhảy

Ve sầu nhảy (hay còn gọi là bọ nước bọt) là một loài côn trùng tí hon, chỉ dài 6 mm với đôi chân rất ngắn. Tưởng rằng với cơ thể như vậy, ve sầu nhảy chẳng thể làm được “điều gì ra hồn”, thế nhưng, chúng lại được ghi tên vào sách kỷ lục là loài côn trùng nhảy cao nhất thế giới.

Cụ thể, ve sầu nhảy có thể nhảy cao tới 70 cm. Kỹ năng đặc biệt này giúp chúng chạy trốn khỏi kẻ thù. Nếu con người có được khả năng như vậy, chúng ta có thể nhảy cao tới 210 m.

Tỏa hương xa nhất: Bướm đêm

Đúng như tên gọi, bướm đêm thường chỉ hoạt động về đêm. Dù không có mũi nhưng chúng “ngửi” được các mùi hương xung quanh thông qua các cơ quan thụ cảm rất nhạy bén trên râu.

Vào mùa sinh sản, những con bướm cái sử dụng pheromone để phát tín hiệu hấp dẫn bướm đực. Bộ phận tiếp nhận tín hiệu của bướm đực có thể phát hiện hương thơm của con cái qua không khí từ cách xa 11 km.

Thính tai nhất: Cá voi xanh

Nếu bạn cho rằng cá voi xanh chỉ giữ kỷ lục là loài động vật có trọng lượng cơ thể nặng nhất thì bạn đã “bé cái nhầm” rồi nhé. Chúng còn là loài có đôi tai thính nhất trong thế giới động vật.

Dù sống trong môi trường nước và tai ngoài hầu như đã bị tiêu biến (chỉ còn lại 1 lỗ nhỏ), nhưng tai trong của cá voi xanh vô cùng nhạy bén. Tai trong của chúng có thể nghe được những tần số âm thanh thấp (dưới ngưỡng con người có thể nghe thấy) ở cách xa hơn 805 km. Theo các chuyên gia, cá voi xanh có thể giao tiếp với nhau xuyên đại dương.

Thời gian mang thai lâu nhất: Kỳ nhông đen

Mới đây, Liên minh Kỷ lục Thế giới (WorldKings) chính thức công bố kỳ nhông đen Alpes là “loài vật lưỡng cư có thời gian mang thai lâu nhất thế giới”. Theo các nhà khoa học, thời gian mang thai của chúng lên tới 3 năm 2 tháng và 20 ngày.

Nhiều răng nhất: Ốc sên

Một con cá sấu chỉ cần “cười duyên” là đã lộ nguyên một bộ hàm gồm 120 chiếc răng. Con số này đúng là “kinh khủng”, nhưng vẫn chưa là gì khi cá mập có tới 3.000 chiếc răng. Dẫu vậy, sinh vật nhiều răng nhất thế giới động vật vẫn không phải là cá sấu hay cá mập. Chẳng ai có thể ngờ rằng, “quán quân” nhiều răng lại chính là ốc sên. Số lượng răng mà chúng sở hữu lên tới… 15.000 chiếc. Số răng này không chỉ có trong miệng mà là trên toàn cơ thể của ốc sên.

Tinh mắt nhất: Chim cắt

Chim cắt có thể nhận ra một con bồ câu ở khoảng cách tới 8 km. Kể cả khi đang bay ở trên cao, chúng cũng có thể thấy rõ một con chuột đồng hoặc một con thỏ đang chạy dưới mặt đất.

Mắt chim cắt có số lượng tế bào cảm thụ ánh sáng nhiều hơn gấp 5 lần mắt người - khoảng 1.000.000 tế bào hình nón trên 1 mi-li-mét vuông (so với 200.000 tế bào trong mắt chúng ta). Mỗi tế bào cảm thụ ánh sáng đều được nối với một tế bào thần kinh. Vì vậy, thần kinh thị giác của chim cắt là vô cùng tốt, giúp chúng có khả năng cảm thụ màu sắc nhạy bén hơn bất cứ sinh vật nào trên Trái Đất.

Dài nhất: Apolemia

Cách đây đúng 4 năm, các nhà khoa học tình cờ phát hiện một sinh vật bí ẩn ngoài khơi bờ biển phía Tây nước Úc. Nó có hình dáng như một chuỗi hạt màu trắng và cuộn tròn khi săn mồi. Sinh vật này có tên là Apolemia, thuộc loài siphonophore, với độ dài lên tới 50 m. Và nó ngay lập tức được ghi nhận là sinh vật biển dài nhất trên Trái Đất, “cướp” danh hiệu này vốn thuộc về cá voi xanh trước đó.

Nhiều chân nhất: Eumilipes Persephone

Các nhà khoa học gần đây phát hiện một loài bò sát chân đốt mới và đặt tên cho chúng là Eumilipes persephone. Đây chính là loài có nhiều chân nhất hiện nay - khoảng 1.306 chân. Eumilipes persephone sinh sống ở độ sâu 60 m dưới lòng đất, xung quanh chỉ toàn sắt và đá núi lửa. Do đó, chúng ta khó có cơ hội được nhìn thấy chúng ở trên mặt đất.

"Canh nhà" giỏi nhất: Hà mã

Hà mã là loài động vật có vú trên cạn lớn thứ 3, chỉ xếp sau tê giác trắng và voi. Đừng thấy hà mã ăn cỏ mà nghĩ chúng hiền lành nha. Chúng đặc biệt hung dữ khi có kẻ dám cả gan xâm phạm lãnh thổ hoặc động đến con cái của chúng. Trong trường hợp đó, hà mã sẽ truy đuổi đến cùng và nhất quyết phải “dạy dỗ” cho kẻ thù một bài học nhớ đời.

Bộ gien lớn nhất: Chuột viscacha đỏ

Chuột Viscacha là một loài động vật có vú trong họ Octodontidae, thuộc bộ Gặm nhấm. Chúng được mô tả lần đầu là vào năm 1941. Đây chính là loài có bộ gien lớn nhất trong “vương quốc động vật”.

Chuột Viscacha sinh sống ở khu vực Nam Mỹ, trong đó nhiều nhất ở khu vực Argentina, Ecuador, Chile, Peru. Chúng có vẻ ngoài khá giống thỏ, đôi chân trước nhỏ và ngắn, đôi chân sau to, dài hơn. Toàn thân chúng được phủ một lớp lông ngắn và mịn.

Nọc độc nhất: Ốc nón

Trước đây, sứa hộp được công nhận là loài vật có nọc độc nhất thế giới. Tuy nhiên, theo nghiên cứu mới nhất thì ốc nón Conus geographus mới đích thực là “quán quân” trong lĩnh vực này. Một khi đã nhắm vào con mồi, chúng sẽ phóng cái vòi của mình ra như một cây lao với liều lượng “độc dược” cực mạnh - gấp 10.000 lần morphin. Nọc độc này sẽ khiến con mồi bị tê liệt trong vòng vài giây và chết ngay lập tức.

Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Khoa học Khám phá, số 15 năm 2024. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm Khoa học Khám phá. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé!

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết "Siêu kỷ lục" trong thế giới động vật tại chuyên mục Vui - Độc - Lạ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Vui - Độc - Lạ khác

"Nuôi đá" làm thú công

Nuôi đá làm thú cưng? Tất nhiên rồi, đây không phải là chuyện xảy ra ở thì tương lai xa tít mù tắp, mà thực tế, trào lưu “nuôi đá làm thú cưng” đang rất “hot” đấy nhé.

Camera lớn nhất thế giới

Với camera LSST 3.200 megapixel, đài quan sát Vera C. Rubin có thể khám phá những bí mật về vật chất tối và năng lượng tối.

Không cần ăn, vẫn sống nhăn

Nghe có vẻ vô lý nhưng trên Trái Đất tồn tại một loài sinh vật không cần ăn uống suốt 4 năm mà vẫn sống khỏe mạnh. Đó chính là cá phổi Tây Phi, loài cá sống ở vùng nước ngọt và thở bằng phổi.