Với đường bờ biển dài và nằm trong khu vực thường xuyên xảy ra bão và lũ lụt, Việt Nam là một trong những quốc gia dễ bị tổn thương trước các hiện tượng thời tiết cực đoan đang ngày càng gia tăng, cùng với mực nước biển dâng cao do biến đổi khí hậu. Những năm gần đây, Việt Nam ngày càng phải hứng chịu nhiều các trận lũ lụt và sạt lở đất nghiêm trọng, kèm theo đó là tác động đáng kể đến kinh tế và xã hội. UNICEF ước tính có hơn 1,5 triệu trẻ em có nguy cơ bị ảnh hưởng bởi lũ lụt và sạt lở đất trên diện rộng ở miền Trung Việt Nam.

Những cú sốc về khí hậu trẻ em gặp phải trong giai đoạn đầu đời có tác động tiêu cực đến thể chất và trí não đang phát triển của các bạn nhỏ. Khi các hiện tượng thời tiết khắc nghiệt phá hủy mùa màng hoặc dẫn đến giá lương thực tăng cao, các gia đình dễ bị tổn thương phải vật lộn để duy trì chế độ ăn đảm bảo dinh dưỡng. Kết quả nghiên cho thấy rằng chế độ ăn uống nghèo nàn, thiếu chất và suy dinh dưỡng của trẻ em có thể gây ra hậu quả lâu dài nghiêm trọng, ảnh hưởng đến phát triển thể chất, kỹ năng nhận thức và khả năng học tập của các bạn nhỏ trên ghế nhà trường.
Trong 1.000 ngày đầu đời – từ khi thụ thai cho đến khi 2 tuổi – là thời điểm then chốt đối với sức khoẻ, sự phát triển và cơ hội trong cuộc sống của mỗi người. Kết quả nghiên cứu ở Việt Nam cho thấy trẻ em thấp còi do suy dinh dưỡng có tác động tiêu cực đáng kể đến các các kỹ năng nhận thức quan trọng, ví dụ như khả năng từ vựng và làm toán cơ bản, đặc biệt là đối với nhóm các bạn nhỏ có cha mẹ ít học hoặc không được đi học. Hơn nữa, những tác động tiêu cực này ảnh hưởng đến không chỉ trên một thế hệ mà cả thế hệ con cái của họ trong tương lai.
Ngoài ra, các cú sốc liên quan đến khí hậu có thể làm tăng nguy cơ gián đoạn giáo dục của trẻ em, đặc biệt trẻ em nhà nghèo. Số liệu thống kê từ Young Lives cho thấy các hộ gia đình bị ảnh hưởng bởi lũ lụt có mức chi tiêu bình quân đầu người của hộ gia đình thấp hơn tới 10% so với các hộ gia đình không bị ảnh hưởng. Suy giảm về mức thu nhập hộ gia đình do mất mùa (thường là do các cú sốc khí hậu như lũ lụt) có tác động trực tiếp đến thời gian đi học của các bạn, đặc biệt là các bạn thuộc các hộ nghèo. Đói ăn cũng có thể ảnh hưởng đến khả năng tập trung của các bạn trong lớp học và làm tăng nguy cơ bỏ học. Cụ thể, dữ liệu của chương trình cho thấy rằng ở Việt Nam, mất mùa làm tăng tới 16% nguy cơ trẻ bỏ học .
Lũ lụt cũng gây ra tình trạng thiếu lương thực và gián đoạn nguồn cung cấp nước sạch và điều này gây ảnh hưởng đến các hoạt động hàng ngày của trẻ em. Các bạn nhỏ phải làm thêm các công việc gia đình, hoặc gánh vác thêm trách nhiệm chăm sóc em nhỏ khi bản thân các bạn không thể đến trường, đặc biệt với trẻ em em gái, điều này làm giảm thời gian các bạn có thể dành cho việc học và cũng làm tăng nguy cơ bỏ học của các bạn.
Bảo vệ những người dễ bị tổn thương nhất trước tác động của biến đổi khí hậu đòi hỏi một loạt các biện pháp thích ứng và giảm thiểu, bao gồm các chương trình bảo trợ xã hội 'ứng phó trước các cú sốc' dành cho các hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn ở các vùng thường xuyên xảy ra thiên tai. Bên cạnh đó, để đảm bảo rằng các biện pháp này được sử dụng một cách hiệu quả để có thể bảo vệ sự phát triển và học tập của trẻ em đòi hỏi phải có sự hiểu biết tốt hơn về mối liên hệ giữa các cú sốc khí hậu, dinh dưỡng và học tập.
Vũ Thị Thư Thư
(Cán bộ truyền thông chương trình nghiên cứu Young Lives)