Hầu hết chúng ta đều biết rằng, đường ngắn nhất là đường thẳng nối hai điểm với nhau. Nhưng trên thực tế, các con đường lên núi hay dốc cao lại không được xây dựng theo nguyên lý này. Nếu có dịp lên các tỉnh miền núi, bạn sẽ được tận mắt chứng kiến và trải nghiệm những cung đường quanh co, uốn lượn như thế này.

Thậm chí, một số con đường đi lên núi còn trở nên nổi tiếng khắp thế giới vì uốn lượn, có nhiều khúc cua. Thế tại sao, họ không xây dựng những con đường này theo một đường thẳng tắp mà lại làm ngoằn ngoèo như vậy?
Câu trả lời rất đơn giản, đó là bảo vệ tính mạng của người đi đường, giúp họ dễ dàng di chuyển lên các con dốc. Ngày xưa, để có thể xây dựng một con đường đi lên đỉnh núi, người ta thường dẫn theo con lừa để nó đi lên sườn dốc thăm dò trước.

Họ nhận thấy con vật này không đi lên theo hướng đường thẳng ngắn nhất mà nó lại chọn lối đi có một độ dốc vừa phải. Bởi đây là độ dốc mà chúng cảm thấy an toàn (khoảng 8 - 10 độ). Đội thăm dò sẽ dựa vào cung đường mà con vật đi qua, tiến hành đo đạc, phác thảo rồi mới cho xây dựng.
Về khía cạnh khoa học, lý do được giải thích như sau. Nếu người lái xe phải chạy lên dốc theo một đường thẳng trong khoảng thời gian dài sẽ làm ảnh hưởng đến thị giác của họ. Từ đó dễ gây phân tán và nguy hiểm. Cung đường cong, uốn lượn sẽ kích thích sự tập trung của các tài xế hơn.

Còn dưới góc độ địa lý, địa hình của các ngọn núi thường hiểm trở, gồ ghề nên để làm phẳng thành một đường nghiêng từ chân núi lên đỉnh sẽ rất khó khăn. Thậm chí còn tốn kém kinh phí hơn so với làm đường ngoằn ngoèo.
Xét về góc độ vật lý, dựa theo nguyên lý của mặt phẳng nghiêng, một con dốc thẳng tạo ra nhiều nguy hiểm cho cả chiều lên và chiều xuống. Nếu như làm đường uốn lượn, quanh co sẽ làm giảm độ đốc cho chiều đi xuống và giảm độ ì cho chiều đi lên. Trường hợp phương tiện giao thông chở nhiều hành khách, hàng hóa sẽ càng nguy hiểm.