Thuyết trình không còn là từ ngữ xa lạ mà đối với các bạn sinh viên nữa, không ít bạn đã từng chứng kiến nhiều bài thuyết trình của mình chỉ là lên đọc, giọng thì run run và thậm chí đọc còn sai chính tả.
Hãy đặt bản thân vào hoàn cảnh là người nghe thì bạn sẽ cảm thấy bị tra tấn, không thấy được giá trị từ bài thuyết trình. Dù bạn đang học ngành gì cũng hãy tập luyện cho mình kỹ năng thuyết trình thật tốt và điều đó sẽ giúp cho bạn có được kết quả mà bạn mong muốn. Vậy nên hãy rèn luyện và phát triển kỹ năng thuyết trình ngay từ năm nhất để phục vụ tốt hơn cả việc học lẫn cuộc sống về sau của bạn.
Thuyết trình cá nhân và thuyết trình nhóm
Nhiệm vụ thuyết trình có thể được làm theo nhóm hoặc cá nhân. Những bài thuyết trình nhóm luôn được thầy cô ưa chuộng do tính chất ngắn gọn, tiết kiệm thời gian và đòi hỏi các bạn sinh viên phải làm việc chung với nhau hầu tạo ra một sản phẩm chất lượng.
Đây cũng là cơ hội để các bạn sinh viên rèn được kỹ năng làm việc nhóm, biết đưa ra ý kiến cá nhân và phân công nhiệm vụ. Những kỹ năng này rất cần thiết cho công việc sau này, đặc biệt trong môi trường làm việc hội nhập.
Đối với những bài thuyết trình cá nhân, đây là cơ hội để các bạn sinh viên thể hiện khả năng tự quản lý và sắp xếp công việc. Dù khối lượng công việc nhiều hơn khi làm việc nhóm nhưng đây là dịp giảng viên có thể đánh giá năng lực của sinh viên. Mặt khác, các bạn sinh viên cũng sẽ cải thiện được những kỹ năng mà mình chưa thể hiện thật sự tốt.
Chăm chút từ khâu chuẩn bị
Việc có được một bài thuyết trình vừa trọn vẹn nội dung vừa đủ sức thu hút giảng viên và các bạn cùng lớp là vô cùng quan trọng.
Để làm được điều này, khâu chuẩn bị nên được chăm chút hơn cả. Đặc biệt khi làm bài thuyết trình nhóm, các thành viên trong nhóm sẽ cùng nhau đưa ra ý kiến để hoàn thiện bài thuyết trình. Đây chính là lúc tất cả các thành viên trong nhóm phải cùng tham gia vào quá trình xây dựng bài thuyết trình để có được kết quả tốt nhất.
Truyền tải nội dung theo logic
Dù thuyết trình về bất cứ chủ đề gì, các bạn sinh viên phải đảm bảo bài thuyết trình của mình được trình bày theo trình tự và hợp lý nhất. Những nội dung như giới thiệu và khái niệm nên được đưa lên đầu bài. Những phần quan trọng nhất nên được trình bày rõ ràng dễ hiểu kèm theo những ví dụ bằng hình ảnh hoặc video.
Tương tác với người nghe
Một nụ cười tươi và ánh nhìn thu hút sẽ khiến thầy cô và các bạn tập trung vào bài thuyết trình của bạn hơn. Nên tránh trường hợp chỉ nhìn vào màn hình hoặc sổ tay khi thuyết trình. Thay vào đó, hãy tập tương tác với những ánh nhìn và câu hỏi từ người nghe để buổi thuyết trình không trở nên tẻ nhạt.
Sử dụng hình ảnh minh họa
Những bài thuyết trình sẽ trở nên khô khan khi xuất hiện trên màn hình chiếu chỉ là những dòng chữ nối đuôi nhau. Hãy tận dụng kho hình ảnh và video phong phú trên Internet để tô điểm cho bài thuyết trình của mình. Những nhãn dán màu sắc hoặc hình động cũng là những lựa chọn thú vị cho bài thuyết trình của mình.
Luyện tập, luyện tập, luyện tập
"Có công mài sắt, có ngày nên kim" - một câu tục ngữ có thể rất phù hợp cho những bạn sinh viên vừa bắt đầu quãng đường học đại học. Luyện tập chính là cách đơn giản nhất để các bạn có thêm tự tin khi thực hành thuyết trình trước lớp. Càng luyện tập nhiều, các bạn có thể tự điều chỉnh những điểm yếu trong bài thuyết trình của mình và nhớ được bài lâu hơn.
Chắc chắn đấy những bài thuyết trình sẽ ập đến ngay từ những buổi học đầu tiên trong quãng đường đại học, vì vậy bạn cần phải chuẩn bị cho mình một tinh thần mới, tự tin và chịu học hỏi, để có thể vượt qua những bài thuyết trình nhóm và cá nhân sắp tới. Một lần thực hiện thuyết trình là một lần các bạn được rèn luyện những kỹ năng mềm, những kỹ năng này sẽ rất hữu dụng trong tương lai đấy!