Chăm chỉ là chìa khóa tạo nên thành công
Thiên Ân là một cô bé thông minh với khả năng sử dụng thông thạo tiếng Anh và giao tiếp cơ bản bằng các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, Pháp, Đức, và Tây Ban Nha. Dù mới chỉ học lớp 7 nhưng những thành tích của cô học sinh này rất ấn tượng: Giải Nhất cuộc thi Nói tiếng Anh do Tỉnh đoàn Thái Bình tổ chức, Thủ khoa kỳ thi HSG cấp huyện năm 2024, học sinh nhỏ tuổi nhất nhận Bằng Khen từ Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân Tỉnh Thái Bình trong Hội nghị tổng kết phong trào thi đua năm 2022. Ngoài ra, Thiên Ân còn đạt Huy chương Đồng và học bổng trong cuộc thi Toán qua mạng, giải thưởng trong cuộc thi Tìm kiếm tài năng Toán học, giải Khuyến khích trong cuộc thi Đại sứ văn hóa đọc do Thư viện tỉnh tổ chức.
Nói về nguồn cảm hứng sáng tác cuốn truyện tranh “The stories of the wind”, nữ tác giả nhí chia sẻ: “Vào năm 2021, tớ có cơ hội gặp chị Nguyễn Hạnh Phương – người từng nhận kỷ lục Người viết truyện giả tưởng bằng tiếng Anh nhỏ tuổi nhất Việt Nam. Sau cuộc gặp gỡ đó, tớ đã quyết tâm thực hiện ước mơ đó là viết một cuốn sách của riêng mình. Cùng với sự ủng hộ của mẹ, tớ đã không ngừng cố gắng và hoàn thành tác phẩm đầu tay.”
Thiên Ân chia sẻ rằng bạn bắt đầu học tiếng Anh từ năm 3 tuổi, còn các ngôn ngữ khác như tiếng Trung, Pháp, Đức và Tây Ban Nha thì làm quen vào năm bạn học lớp 1, lớp 2. Thiên Ân thường xuyên đọc sách, xem phim, nghe nhạc bằng các ngôn ngữ khác nhau. Bạn nhỏ cũng thích giao tiếp với những người bạn nước ngoài để luyện tập khả năng nghe - nói.
Nói về lý do học nhiều ngôn ngữ, cô bạn cho biết đó là niềm yêu thích tiếp xúc các ngôn ngữ khác nhau của bản thân. Với cô bé tài năng này, việc học ngôn ngữ giống như một chiếc chìa khóa mở ra những thế giới mới, giúp bạn khám phá và mở mang tầm hiểu biết.
Thiên Ân đã bắt đầu hành trình khám phá thế giới ngôn ngữ từ khi còn rất nhỏ. Về bí quyết học giỏi ngoại ngữ và duy trì động lực, nữ tác giả nhí thấy yếu tố quan trọng nhất đó là sự chăm chỉ. Thiên Ân nhấn mạnh rằng, không có sự chăm chỉ thì rất khó để đạt được thành công, đặc biệt trong việc học ngôn ngữ. Bên cạnh đó, việc tìm cho mình nguồn động lực cũng là một yếu tố không thể thiếu: “Tớ thấy nếu học ngoại ngữ mà chỉ dựa vào cảm hứng nhất thời thì sẽ đến lúc chúng ta dễ dàng từ bỏ. Tuy nhiên, nếu có động lực và những người luôn động viên mình thì dù có gặp khó khăn hay cảm thấy mệt mỏi, chúng ta vẫn có thể đứng dậy và tiếp tục cố gắng”.
Tạo động lực cho con từ những điều đơn giản
Khi được hỏi về thời điểm nhận ra niềm đam mê và khả năng học ngoại ngữ của Thiên Ân, cô Nguyễn Thị Thu Hà - mẹ của Thiên Ân chia sẻ rằng điều đó bắt đầu từ khi con gái mới 3 tuổi. Thay vì cho con xem các nội dung giải trí thông thường, cô thường mở các bài hát tiếng Anh qua máy tính và tắt màn hình để tránh ảnh hưởng đến mắt của con. Và cứ thế, Thiên Ân dần lẩm nhẩm theo và thuộc các bài hát một cách tự nhiên.
Cô Hà cho biết, việc này diễn ra hằng ngày mà không hề áp dụng lịch học hay phương pháp nào cụ thể. Đến năm 5 tuổi, Thiên Ân khiến cô bất ngờ khi lần đầu tiên kể trọn vẹn câu chuyện Cô bé quàng khăn đỏ hoàn toàn bằng tiếng Anh. Đó cũng là lúc cô nhận ra khả năng đặc biệt của con trong việc tiếp thu và sử dụng ngoại ngữ.
Chia sẻ về phương pháp nuôi dạy giúp Thiên Ân học tốt nhiều ngôn ngữ, cô Hà cho rằng, điều quan trọng là tạo ra một môi trường học tập tự nhiên và khuyến khích con giao tiếp từ những ngày đầu. Khi Thiên Ân mới bắt đầu nói tiếng Anh, dù chỉ là những câu lắp bắp, cô luôn phản hồi tích cực bằng cách gật đầu, lắc đầu và trả lời lại những từ đơn giản. Theo cô Hà, việc lắng nghe và phản ứng một cách hào hứng giúp con tiếp tục giao tiếp và phát triển ngôn ngữ. Mẹ của Thiên Ân cho biết mình không áp dụng một phương pháp dạy nào cứng nhắc, mà thay vào đó, cô tìm kiếm các tài liệu và sách vở phù hợp với khả năng của con. Khi Thiên Ân có thể đọc và hiểu được những gì đang học thì coi đó là phương pháp phù hợp. |
Ngoài ra, cô Hà còn tạo điều kiện cho con tiếp xúc với tiếng Anh qua các kênh truyền hình và YouTube. Thời gian cho con xem tivi vì lo ngại ảnh hưởng đến mắt, cô lại khuyến khích các con nói chuyện với nhau bằng tiếng Anh, tạo nên một môi trường ngôn ngữ tự nhiên ngay trong gia đình.
Để việc học tập không trở thành áp lực, cô Hà luôn tin tưởng vào khả năng của con. Cô Hà tin rằng không đứa trẻ nào khi được rèn luyện mà lại không tiến bộ. “Quá trình học tập cần thời gian, vậy nên các phụ huynh không nên quá sốt ruột. Tôi nhận thấy nhiều phụ huynh khi thấy con không trả lời được câu hỏi trên lớp học, họ lập tức lo lắng và phê phán. Những thái độ này dễ tạo ra khoảng cách giữa cha mẹ và con cái và khiến trẻ cảm thấy bị áp lực”, cô Hà bày tỏ.