Thanh Hóa: Học sinh chông chênh bè mảng đến trường

Nguyễn Nhật Linh
Để đến trường học, các bạn học sinh ở xã Phùng Minh (huyện miền núi Ngọc Lặc, tỉnh Thanh Hóa) phải bất chấp hiểm nguy đi trên những chiếc bè mảng chông chênh qua con sông Âm.

Người dân làng Chu, xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc hàng ngày thường qua sông để sang xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân giao lưu, buôn bán.

Do điều kiện địa lý nên những năm qua, việc học hành của các bạn học sinh nơi đây chủ yếu gắn bó với xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân. Nhưng để đến được xã Ngọc Phụng, người dân làng Chu, xã Phùng Minh phải đi qua con sông Âm.

Vì chưa có cầu nên việc đi lại qua sông của người dân làng Chu chủ yếu bằng bè mảng. Đặc biệt, mỗi ngày, có 72 học sinh cấp Tiểu học và Trung học cơ sở của làng Chu phải qua sông đến trường. Người dân cho biết lòng sông đoạn qua địa bàn làng Chu, xã Phùng Minh rộng chừng 50m và vào mùa mưa, nước đoạn sông này chảy xiết.

Hàng chục bạn học sinh của làng Chu cũng phải qua sông đến trường

Mỗi giờ tan trường, hàng chục bạn học sinh ùa ra bờ sông, các bạn phải xắn quần, dắt xe đạp để lên mảng qua sông. Trong khi đó, bè mảng chỉ là những cây luồng được ghép lại với nhau, không có lan can che chắn và các bạn học sinh thì hầu như không được trang bị áo phao.

 



Học sinh bất chấp hiểm nguy qua sông bằng mảng

Theo ông Ngô Trọng Túc - Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Phùng Minh, huyện Ngọc Lặc, biết là nguy hiểm, mất an toàn nhưng không còn cách nào khác. Từ trước đến nay, các bạn học sinh vẫn thường qua sông sang huyện Thường Xuân để đi học.

Cô Phạm Thị Lượng, người dân làng Chu nhớ lại ngày 8/11 vừa qua, do mưa lớn, nước dâng cao và chảy xiết, khi chiếc mảng đang đưa các bạn học sinh qua sông thì bị nước cuốn trôi về phía hạ lưu khoảng 100m. Lúc đó, các bạn ở trên mảng kêu khóc, còn cô cũng như nhiều phụ huynh khác đứng trên bờ phải thót tim.

Hầu hết các bạn học sinh qua sông không được trang bị áo phao

Chú Nguyễn Văn Tuấn (xã Ngọc Phụng, huyện Thường Xuân là người lái chiếc mảng trên đoạn sông này cho biết hôm nào lũ lên hay mưa lớn nước chảy xiết thì các bạn học sinh phải nghỉ học.

Ông Phạm Văn Đạt - Phó Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Ngọc Lặc cho biết, địa phương cũng đã nắm bắt được những khó khăn của người dân nơi đây. Tuy nhiên, do khó khăn về kinh phí nên chưa đầu tư xây dựng cầu được. Huyện đang đấu mối với Sở Giao thông Vận tải để lập phương án trình các ngành đưa dự án xây dựng cầu tại làng Chu cho người dân vào kế hoạch của năm 2017.

Theo thoibao.today

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thanh Hóa: Học sinh chông chênh bè mảng đến trường tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.