Thầy hiệu trưởng sáng tạo, trực tiếp đứng lớp

ngochiep
Tiên phong đổi mới quản lý dạy và học, có nhiều sáng kiến góp phần thực hiện hiệu quả mô hình Trường học mới, thầy Văn Đức Phương, hiệu trưởng trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm, Lâm Đồng) được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh kính trọng.

Thầy Phương là 1 trong 64 cá nhân được nhận bằng khen của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tại Lễ tuyên dương gương người tốt việc tốt, đổi mới sáng tạo trong dạy và học năm học 2016-2017.

Sinh ra và lớn lên ở thành phố Đà Lạt, thầy Phương về công tác tại Trường THCS Quang Trung (huyện Bảo Lâm) từ năm 1984 đến nay. Từ khi còn là giáo viên đứng lớp, đến khi được bổ nhiệm làm phó hiệu trưởng, rồi hiệu trưởng, thầy luôn là người tận tụy và tâm huyết với sự nghiệp trồng người.

Nhờ sự tận tụy của thầy trong công việc, sáng tạo trong công tác quản lý chuyên môn, chăm lo xây dựng chất lượng đội ngũ giáo viên, nâng cao chất lượng giáo dục nên trong những năm gần đây, Trường THCS Quang Trung trở thành một trong những trường điểm của huyện Bảo Lâm.

Với cương vị là hiệu trưởng, thầy Phương luôn tìm tòi sáng tạo, đổi mới quản lý giáo dục và nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện. Thầy Phương là người tiên phong đưa ra những sáng kiến, những giải pháp thiết thực nhằm nâng cao chất lượng giáo dục của nhà trường, của địa phương.

Đối với đồng nghiệp, thầy Phương là một người anh cả đi trước chia sẻ kinh nghiệm cho lớp giáo viên kế cận. Thầy tận tình hướng dẫn các chuyên đề dạy học của các tổ bộ môn, hay góp ý về sáng kiến kinh nghiệm, giải pháp hữu ích cho giáo viên nhà trường dự thi giáo viên giỏi các cấp.

Thầy Phương luôn được đồng nghiệp, phụ huynh và học sinh kính trọng

Hàng năm, thầy đều có các sáng kiến kinh nghiệm áp dụng rộng rãi trong nhà trường và được các trường trên địa bàn vận dụng, mang lại hiệu quả thiết thực và được hội đồng khoa học cấp huyện, cấp tỉnh công nhận.

Đặc biệt, trong việc triển khai mô hình trường học mới (VNEN) cấp THCS, thầy Phương được đánh giá là người chịu khó nghiên cứu, vận dụng hiệu quả mô hình này.

Là cán bộ quản lý nhưng thầy Phương vẫn dành thời gian đều đặn để đứng lớp. Theo thầy, phải trực tiếp dạy thì mới hiểu được tâm tư nguyện vọng của học sinh và cả giáo viên, để từ đó, có sự hỗ trợ kịp thời cũng như giải quyết các vướng mắc.

Thầy Phương nhớ lại: "Cách đây 3 năm, khi trường bắt đầu triển khai thực hiện mô hình VNEN, tôi đã trực tiếp đứng lớp với sự chứng kiến của hội đồng sư phạm nhà trường cũng như đảo phụ huynh học sinh.

Trong một bài học, tôi đã dạy theo cả hai cách, một theo truyền thống và một theo mô hình VNEN để phụ huynh so sánh. Kết thúc tiết dạy, đa số phụ huynh đều ủng hộ việc nhà trường thực hiện giảng dạy theo mô hình VNEN vì thấy rằng bài học rất hấp dẫn và hiệu quả".

Thầy Phương cho biết, ngay từ lần đầu được tập huấn triển khai mô hình VNEN, bản thân thầy cũng phân vân, lo lắng. Do vậy, thầy đã đầu tư nhiều thời gian, công sức để tìm hiểu. Sau khi đã nắm rõ, thầy bắt đầu xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể.

Mô hình VNEN triển khai hiệu quả ở Trường THCS Quang Trung (Bảo Lâm, Lâm Đồng)

Trước tiên, thầy Phương tổ chức nhiều cuộc hội thảo trong từng bộ môn để giáo viên chia sẻ, nắm bắt những khó khăn trong quá trình giảng dạy theo mô hình VNEN.

Đồng thời, xây dựng phương án tuyên truyền đến từng phụ huynh học sinh để họ nắm rõ những nét thay đổi đặc trưng của mô hình này và vai trò của phụ huynh đối với tập thể lớp trong mô hình trường học mới.

Cùng với đó là tập huấn cho giáo viên chủ nhiệm lớp về quy cách tổ chức hoạt động của Hội đồng tự quản; tập huấn cho Hội đồng tự quản, nhóm trưởng và thư ký về quy cách điều hành tổ chức lớp học VNEN.

Nhờ sự sáng tạo của thầy Phương, mô hình VNEN cấp THCS tại trường THCS Quang Trung nói riêng và ở tỉnh Lâm Đồng nói chung đang phát huy hiệu quả, thực sự tạo môi trường học tập chủ động, sáng tạo cho học sinh.

Theo Giáo dục và Thời đại

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thầy hiệu trưởng sáng tạo, trực tiếp đứng lớp tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Cậu bé đa tài

“Cậu bé đa tài” hay “anh bạn nhỏ thông thái” là những lời nhận xét của thầy cô và ...

Bài Gương Mặt khác

Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB) Đặng Cát Tiên và Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 Lê Văn Phúc đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình phấn đấu vươn lên, cống hiến, đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội giúp các bạn trở thành những tấm gương truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Ước mơ trở thành nhà Toán học

Ghé thăm lớp 5A7, trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu bạn ngỏ ý muốn gặp “cây Toán” của lớp, hẳn là các bạn trong lớp sẽ vui vẻ giới thiệu ngay cậu bạn Nguyễn Hoàng Việt – người sở hữu một loạt thành tích ấn tượng cấp Quốc gia, Quốc tế với bộ môn thú vị này

Đỗ Hà My - cô gái tài năng

Thích học Toán, mê tiếng Anh, nghiền khoa học, có tài lẻ về khiêu vũ thể thao, vẽ tranh và có chiều cao vượt trội… là những điều mà mọi người luôn ấn tượng khi nhắc tới cô bạn Đỗ Hà My (lớp 6CI1, trường liên cấp Nguyễn Siêu, Hà Nội).

"Thầy Tổng" đa tài và tâm huyết

Gắn bó với phong trào, công tác Đội trong nhiều năm, thầy Đinh Công Thành (trường Tiểu học Trung Yên, quận Cầu Giấy, Hà Nội) luôn dành nhiều tâm huyết, sáng tạo để có những cách làm đổi mới, phù hợp với các bạn thiếu nhi, học sinh.