Thiết bị khử virus SARS-CoV-2 cực nhanh sắp được đưa vào sử dụng

Bảo Bối
Máy khử trùng TESER ACT bằng tia cực tím sẽ sớm được sử dụng tại sân bay quốc tế Edmonton của Canada và các văn phòng chính quyền thành phố Calgary và Edmonton.

Theo trang Medicalxpress, thiết bị khử trùng TESER ACT bằng tia cực tím mới sẽ sớm được sử dụng tại sân bay quốc tế Edmonton của Canada cũng như tại các văn phòng chính quyền ở thành phố Calgary và Edmonton nhằm ngăn chặn nguy cơ lây lan virus SARS-CoV-2.

Sản phẩm mới được sản xuất tại tỉnh Alberta nói trên là kết quả hợp tác giữa Công ty công nghệ khử trùng tiên tiến TESER ở Calgary với các nhà khoa học Phòng thí nghiệm an toàn sinh học cấp độ 3 thuộc Đại học Alberta.

Thiết bị khử virus SARS-CoV-2 cực nhanh sắp được đưa vào sử dụng - Ảnh 1
Thiết bị khử trùng TESER ACT bằng tia cực tím mới

Phòng thí nghiệm này là một trong số ít các cơ sở của tỉnh được cấp phép nghiên cứu các giải pháp ngăn chặn virus SARS-CoV-2.

TESER ACT sử dụng ánh sáng cực tím từ hàng trăm bóng đèn LED để tiêu diệt các virus, vi khuẩn có hại và nhiều mầm bệnh thông thường khác, như virus cúm, khuẩn E.coli, chỉ trong vòng 60 giây. Thiết bị này được thiết kế với 2 phiên bản để có thể khử trùng mọi đồ vật, từ điện thoại cầm tay cho tới các bưu kiện và các dụng cụ y tế.

Mẫu thứ nhất giống một lò vi sóng, có thể đặt trên bàn hoặc trên một xe đẩy để dễ dàng di chuyển. Mẫu thứ hai có 2 cánh cửa và có thể lắp đặt tạo thành một buồng khử khuẩn. Thiết kế lớp kính ngăn tia UVC trên hai cửa này giúp người sử dụng có thể nhìn thấy đèn hoạt động mà không gây hại cho mắt và da.

Bất kỳ vật dụng nào đặt vừa vào thiết bị này đều có thể được khử trùng mà không ảnh hưởng tới hệ thống điện, điện tử. Cách sử dụng TESER ACT khá đơn giản, do chỉ có 2 nút vận hành. Một điểm cộng khác đó là thiết bị này rất tiệm kiệm điện năng.

Công nghệ khử khuẩn của TESER ACT có tính ứng dụng trong ngành thương mại và y tế, mang tới giải pháp giúp đảm bảo an toàn cho các không gian làm việc, cũng như đảm bảo an toàn, hạn chế mầm bệnh cho chính người lao động. Thiết bị này hiện được bán với giá 23.000 USD.

Tuy nhiên, trong tương lai, các nhà khoa học có thể nghiên cứu, phát triển một mẫu mới nhỏ gọn hơn. Ngoài ra, công ty TESER cũng hy vọng rằng mức giá của sản phẩm này sẽ phải chăng hơn khi họ mở rộng quy mô sản xuất.

Giám sát dự án David Evans, Giáo sư vi sinh và miễn dịch học tại Khoa Y dược và Nha khoa nhấn mạnh vai trò quan trọng của Đại học Alberta cùng các cơ sở thí nghiệm cấp độ 3 trực thuộc trong việc hỗ trợ công ty TESER nhanh chóng cho ra đời thiết bị khử trùng tiên tiến nói trên.

Thiết bị khử virus SARS-CoV-2 cực nhanh sắp được đưa vào sử dụng - Ảnh 2
Ảnh minh hoạ

Cộng sự của Giáo sư Evans, nhà nghiên cứu Ryan Noyce, cho biết nhóm nghiên cứu đã xác định lượng ánh sáng UVC cần thiết để có thể tiêu diệt hoàn toàn virus SARS-CoV-2, đồng thời ngăn chặn khả năng nhân bản của chúng trong vòng chưa đầy 1 phút.

Nhà nghiên cứu Noyce lưu ý thêm rằng ông và các đồng nghiệp đã chuyển đổi hoàn toàn trọng tâm nghiên cứu ban đầu là poxvirus và ung thư khi đại dịch COVID-19 bùng phát.

Theo đó, họ đã nỗ lực tối đa nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ tại Alberta cũng như cộng tác với Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), Phòng Thí nghiệm Vi sinh học quốc gia, Dịch vụ Huyết học Canada và nhiều tổ chức khác để nghiên cứu, thử nghiệm các thiết bị phòng chống virus SARS-CoV-2.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thiết bị khử virus SARS-CoV-2 cực nhanh sắp được đưa vào sử dụng tại chuyên mục Sành của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sành khác

Rô-bốt hình người siêu nhỏ

Vừa qua, nhóm 4 học sinh gồm: Aaron Ho Yat Fung, Isaac Zachary To, Justin Wang Tou Dương và Ngo Hei Leung (trường Nam sinh Diocesan, Hong Kong) đã chế tạo rô-bốt hình người nhỏ nhất từng ghi nhận trên thế giới.Họ đã phá kỷ lục trước đó do Zain Ahmad Qureshi (người Pakistan) thiết lập vào năm 2022.