Thiếu nhi Hà Nội hào hứng trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu

Nguyễn Hà
Chương trình tổng duyệt với chủ đề "Trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu" tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam diễn ra vào sáng nay (23/9) với sự tham gia của các bạn học sinh trên địa bàn thành phố Hà Nội.

Chương trình có sự tham gia của các bạn học sinh đến từ một số trường Tiểu học và THPT trên địa bàn thành phố Hà Nội. Các bạn sẽ được nghệ nhân dân gian hướng dẫn để tự tay làm các đồ chơi Trung thu truyền thống thông qua một số hoạt động như: làm đèn ông sao, ông sư, con thỏ, kéo quân, ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, nặn tò he, tàu thủy sắt tây, tết lá dừa và chơi một số trò chơi dân gian… Chương trình này là cơ hội để khách tham quan, đặc biệt là các em nhỏ được khám phá những nét văn hóa truyền thống trong dịp Tết trông trăng. Tham gia hoạt động này có sự góp sức của hơn 200 tình nguyện viện đến từ các trường THPT và đại học ở Hà Nội.

Chương trình với nhiều nội dung phong phú như: Hướng dẫn làm đồ chơi: Ông Tiến sĩ giấy, ông đánh gậy, đèn ông sao, ông sư, con thỏ, kéo quân, nặn tò he, hoa quả bằng bột, con giống chuyển động, trống bỏi, tô vẽ đầu lân, mặt nạ, tàu thủy sắt tây; Trình diễn và hướng dẫn: làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả và bầy mâm cỗ Trung thu; Chơi các trò chơi dân gian: chơi chuyền, rải ranh, đánh búng, ô ăn quan, cờ gánh, lúa ngô, tu tu, nhảy bao bố, kéo co, kéo co ếch...

Bạn Hoàng Bân đang được chị tình nguyện viên hướng dẫn làm cào cào tre.

Cô Bùi Thanh Phương (Mỹ Đình, Hà Nội) cùng con trai của mình rất hứng thú trước những trò chơi dân gian: "Bản thân cô cũng lớn lên ở thành phố, cũng hiếm có cơ hội được chơi những trò chơi truyền thống vào dịp Trung thu như thế này. Chính vì thế cô cho con trai mình tới đây để tham quan, trải nghiệm những trò chơi dân gian từ xưa như thế này".

Khi lần đầu tiên được làm cào cào tre, bạn Hoàng Bân (Cầu Giấy, Hà Nội) rất thích thú chia sẻ: "Đây là lần đầu được tự tay làm ra con cào cào từ lá cây. Mình chỉ nghe trong bài giảng của cô giáo thôi và cũng không nghĩ nó lại phức tạp thế này. Chắc chắn mình sẽ mang thành quả này về để khoe với bố và các bạn trong lớp của mình".

Nghệ nhân Hoàng Bá Nhất hướng dẫn các bạn thiếu nhi vẽ mặt nạ giấy.

Là một nghệ nhân làm ra những mặt nạ giấy truyền thống từ hàng chục năm nay, chú Hoàng Bá Nhất cho biết đây thực sự là một cơ hội quý giá để các bạn nhỏ biết tới và gìn giữ nét đẹp của trò chơi xưa: "Cả gia đình chú đã theo nghề này từ xa xưa rồi, phải thực sự yêu những sản phẩm truyền thống này mới có thể làm ra nó. Nhìn các bạn nhỏ được vui tươi, thỏa thích sáng tạo vẽ mặt nạ chú cảm thấy rất tự hào về nghề của mình".

Tiếp đó, vào ngày 30/9 và 1/10/2017 (ngày 11 và 12/8 âm lịch), Bảo tàng sẽ tổ chức chương trình Trung thu 2017: Sắc màu văn hóa Đồng Tháp. Điểm nhấn của chương trình là giới thiệu đến khách tham quan những nét văn hóa của con người vùng sông nước Tháp Mười thông qua hoạt động trình diễn Hò Đồng Tháp, dệt choàng Hồng Ngự và hướng dẫn làm đèn Trung thu từ lon sữa bò, tết lá dừa. Đặc biệt, du khách có cơ hội thưởng thức hương vị ẩm thực cùng các sản vật của vùng đất “sen hồng” như: gỏi ngó sen, chả giò sen, cơm trộn sen, cơm vắt huyết rồng…

Tiến Sĩ Vũ Hồng Nhi – Phó trưởng phòng Giáo dục Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam.

Tiến Sĩ Vũ Hồng Nhi – Phó trưởng phòng Giáo dục Bảo tàng  Dân tộc học Việt Nam cho biết: "Trung thu năm nay chúng tôi có chủ đề là: “Trung thu 2017 sắc màu văn hóa Đồng Tháp”. Năm nay chúng tôi có phối hợp với tỉnh Đồng Tháp và các đặc điểm khác với những năm còn lại là có rất nhiều phần giới thiệu về văn hóa Đồng Tháp ví dụ như phần ẩm thực với các món ăn đặc trưng của tỉnh đó là sen và ngoài ra có những đồ chơi mà ở Đồng Tháp đã có làm đồ chơi từ phế liệu. Ý nghĩa đối với trẻ em miền Bắc: đây là dịp tốt để cho trẻ em học hỏi nhiều hơn không chỉ văn hóa vùng đồng bằng với rất nhiều trò chơi dân gian nhưng đến với Đồng Tháp thì sẽ giúp các em hiểu thêm về văn hóa của vùng đất phương Nam".

Bên cạnh các hoạt động giới thiệu văn hóa Đồng Tháp, Bảo tàng còn có những hoạt động gắn với Tết Trung thu truyền thống như: múa lân sư, hướng dẫn làm bánh dẻo, cốm Vòng, cắt tỉa hoa quả, làm đồ chơi và chơi các trò chơi dân gian. Đây là những hoạt động được Bảo tàng tổ chức thường xuyên nhằm tạo điều kiện cho các bạn trẻ tăng cường hiểu biết về truyền thống văn hóa dân tộc.

Một số hình ảnh từ chương trình "Trải nghiệm làm đồ chơi Trung Thu":

Các bạn được tham gia trò chơi dân gian như cà kheo, nhảy bao...

 

Ngọc Hà

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Thiếu nhi Hà Nội hào hứng trải nghiệm làm đồ chơi Trung thu tại chuyên mục Sự kiện của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Sự kiện khác

Nghệ An: 80 học sinh thi tại chỗ "Trạng nguyên nhỏ tuổi"

Ngày 20/3, tại trường Tiểu học Hưng Dũng 1 (TP. Vinh, tỉnh Nghệ An) đã diễn ra Lễ Phát động Ngày hội Trạng Nguyên nhỏ tuổi lần thứ XXII, Viết chữ đẹp "Nét chữ - Nết người", Bảng vàng ghi danh toàn quốc lần thứ IV và thi tại chỗ Trạng nguyên nhỏ tuổi.