Các tác phẩm của chú không chỉ đơn thuần ghi lại cảnh vật, mà còn truyền tải những câu chuyện, thông điệp về thiên nhiên, cuộc sống… Nhân dịp đầu xuân, hãy cùng trò chuyện với NAG Võ Rin để tìm hiểu đam mê chụp ảnh và những câu chuyện thú vị “đằng sau ống kính” nhé!
Phóng viên (PV): Xin chào chú Võ Rin! Chú có thể chia sẻ cho bạn đọc của báo Đội về niềm đam mê chụp ảnh chim hoang dã của mình được không?
NAG Võ Rin: Ồ, tất nhiên rồi! Chú bắt đầu đam mê nhiếp ảnh từ lâu và đã thử sức với rất nhiều thể loại: street life (chụp ảnh đời thường), phong cảnh, kiến trúc nội thất, flycam,... Nhưng đến năm 2018, trong một lần đến Vườn quốc gia Bạch Mã (Thừa Thiên - Huế) cùng với người bạn, chú mới có chuyến trải nghiệm đầu tiên với bộ môn nhiếp ảnh chim hoang dã. Sau khi quan sát vẻ đẹp các loài chim, chú nhận ra những giá trị từ thiên nhiên và nhận thấy cần phải cho mọi người biết điều đó thông qua những hình ảnh đẹp.NAG Võ Rin là một trong những người tiên phong cho phong trào nghiên cứu và bảo tồn chim hoang dã Việt Nam.
PV: Những cỗ máy ảnh “khổng lồ” mà chú sử dụng để chụp các “sứ giả bầu trời” chắc hẳn rất đắt tiền. Chúng có ưu và nhược điểm gì ạ?
NAG Võ Rin: Hiện chú đang sử dụng 2 bộ thiết bị cho môn nhiếp ảnh chim: Máy Canon nặng khoảng gần 5kg và máy Sony nặng khoảng 3kg. Những thiết bị của các tay máy tham gia chụp chim hoang dã đa số thường đắt tiền và to. Chúng giúp cho việc chụp ảnh các loài chim một cách dễ dàng hơn và cho ra những hình ảnh đẹp. Tuy nhiên, vì kích thước “khủng” nên những thiết bị này sẽ gây khó khăn trong việc di chuyển và thao tác khi chúng ta đi vào rừng sâu hoặc những nơi có địa hình sông nước, núi cao hiểm trở.
PV: Có máy ảnh hiện đại thôi chưa đủ, nhiếp ảnh gia chuyên nghiệp cần có bản lĩnh và những “món võ” để tác nghiệp thành công, đúng không chú?
NAG Võ Rin: Đúng vậy! Khi tham gia bộ môn nhiếp ảnh chim, chú đã vận dụng rất nhiều kỹ năng và kinh nghiệm vốn có của mình như: Đi rừng, bơi lội, lái cano, các kỹ năng sinh tồn,… cũng như tận dụng các vật dụng trong nhà để làm công cụ hỗ trợ chụp ảnh. Cùng với đó, việc tìm hiểu thói quen, tập tính của các loài chim cũng rất quan trọng. Nhờ kỹ năng này chú đã biết cách tiếp cận các loài chim phù hợp với từng địa hình.
PV: Dành nhiều thời gian và tâm huyết để săn lùng những khoảnh khắc đẹp của các loài chim, vậy có chuyến đi tác nghiệp nào khiến chú nhớ nhất?
NAG Võ Rin: Kỷ niệm chú nhớ nhất là chuyến đi đến Hòn Trứng - Côn Đảo, nơi được mệnh danh là sân chim giữa biển lớn nhất Đông Nam Á. Khi đứng giữa hàng ngàn chú chim đang bay lượn xung quanh, chú có cảm giác vô cùng thích thú. Cũng thật may mắn vì chú đã phát hiện thấy một gia đình chim điên bụng trắng (một loài chim hiếm gặp tại Việt Nam và chỉ tìm thấy chúng tại Vườn quốc gia Côn Đảo, tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu). Sau khi chụp xong chú mới tá hỏa phát hiện mình đang đứng cheo leo trên vách đá cao. Hai chân gần như tê cứng do phải ghì mạnh vào đá để đứng vững. Việc đeo chiếc máy ảnh trên vai và leo lên cũng thực sự rất khó khăn. Chuyến đi đó đã để lại rất nhiều dấu ấn, đồng thời nhắc nhở chú về việc chú ý tới sự an toàn khi tác nghiệp.
PV: Thông qua những bức ảnh và câu chuyện của mình, chú muốn truyền tải thông điệp gì đến mọi người ạ?
NAG Võ Rin: Trong quá trình làm nghề, chú đã tổ chức nhiều triển lãm ảnh chim hoang dã với mong muốn đem những hình ảnh đẹp về các loài chim đến với cộng đồng để nâng cao nhận thức về việc bảo tồn chim hoang dã. Chú tin rằng mỗi một người sẽ là đại diện cho tiếng nói đến với cộng đồng về việc chung tay bảo vệ các loài chim nói riêng và thiên nhiên hoang dã nói chung.
PV: Chú có lời khuyên nào dành cho các bạn nhỏ muốn trở thành nhiếp ảnh gia?
NAG Võ Rin: Các cháu hãy tham gia nhiếp ảnh bằng một tâm hồn trong sáng, ham học hỏi để có thể sáng tác những tác phẩm nghệ thuật thực thụ từ tình yêu và sự cống hiến. PV: Rất cảm ơn chú vì những chia sẻ thú vị!
(Ảnh: Võ Rin)
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm Tết TNTP Thứ Tư, số 17+21 năm 2024, mời các bạn độc giả mua báo đón đọc nhé!
Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |