Thủ khoa xuất sắc Trường Sĩ quan Đặc công: Từ không biết bơi trở thành "Yết Kiêu thời hiện đại"

Chu Hải
Để trở thành thủ khoa xuất sắc Trường Sĩ quan Đặc công, Trương Công Hòa đã trải qua huấn luyện bơi tới 25km trên biển, thả trôi 24 giờ đồng hồ hay lặn ở các độ sâu các nhau...

Thủ khoa xuất sắc Trường Sĩ quan Đặc công

Trương Công Hòa, sinh năm 1998, quê Hà Tĩnh, liên tiếp nhận tin vui khi trở thành thủ khoa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Đặc công năm 2021 với điểm học tập toàn khóa 8.07/10 và được TP Hà Nội vinh danh là 1 trong những thủ khoa xuất sắc của Thủ đô.

Chia sẻ với PV, Trương Công Hòa tiết lộ lý do đến với ngôi trường đầy tự hào này: "Ngay từ nhỏ, hình ảnh bộ đội đặc công đã in sâu vào tâm trí tôi với những trận đánh tạo tiếng vang trong lịch sử như trận đánh Kho xăng Nhà bè, Giải phóng đảo Song Tử Tây, hay tham gia giúp đỡ nhân dân Campuchia trong nạn diệt chủng Pôn Pốt... Chính vì vậy, những năm học phổ thông, tôi đã nung nấu ước muốn trở thành chiến sĩ Đặc công của Quân đội Nhân dân Việt Nam".

Thủ khoa xuất sắc Trường Sĩ quan Đặc công: Từ không biết bơi trở thành
Trương Công Hòa, thủ khoa tốt nghiệp Trường Sĩ quan Đặc Công năm 2021. Ảnh: NVCC

Với ý chí quyết tâm đó, Công Hòa đã cố gắng học tập và đạt 26 điểm trong kỳ thi THPT quốc gia, đỗ vào Trường Sĩ quan Đặc công – Binh chủng đặc công, chuyên ngành Đặc công Nước và là học viên khoá 40 của trường.

Để trở thành thủ khoa tốt nghiệp ở ngôi trường đặc thù và đặc biệt này sau 4 năm học, Công Hòa đã phải trải qua rất nhiều bài huấn luyện. Hòa kể lại: "Có thể nói nội dung huấn luyện trong môi trường Đặc công vô cùng khó khăn để đào tạo ra chiến sĩ bơi lặn giỏi, bắn giỏi, võ giỏi và giỏi chịu đựng. Vất vả nhất có lẽ là những bài rèn luyện thể lực tại trường, hành quân mang vác nặng qua các loại địa hình, có thời điểm mang vác lên tới 30-35kg, hay là các nội dung bơi, lặn của bộ đội đặc công".

Vậy là từ một nam sinh bước vào trường chưa biết bơi, Công Hòa cùng với các bạn đã trải qua huấn luyện bơi, lặn trong mọi điều kiện sóng gió trên biển như bơi dài nhiều giờ trên biển lên tới 20-25km, thả trôi sinh sống trên biển 20-24 giờ đồng hồ hay lặn ở các vùng biển ở các độ sâu khác nhau... mà mọi người vẫn ví von là "Yết Kiêu thời hiện đại".

Những thành tích đáng nể

Tiết lộ bí quyết để có điểm số cao nhất trường, Công Hòa cho biết, ngay từ những năm đầu mới vào trường đã tích cực học tập, cố gắng tiếp thu, ghi nhớ những vẫn đề cốt lõi của bài học, giờ rảnh rỗi nghiên cứu trước bài học trước khi lên lớp. Còn trong rèn luyện kỹ năng, Hòa sẽ học hỏi những cái hay, cái tốt của chỉ huy, đồng chí đồng đội trong lớp.

Sự nỗ lực đó của Công Hòa đã được đền đáp xứng đáng. Năm 2020, Công Hoà được Bộ tư lệnh Đặc công tặng Giấy khen Gương mặt trẻ tiêu biểu năm 2020. Năm 2021, với thành tích tốt nghiệp Thủ khoa, Hoà cũng được Bộ trưởng Bộ Quốc phòng tặng Bằng khen, Chủ tịch TP Hà Nội tặng Bằng khen. Hai năm liên tiếp, là Chiến sĩ thi đua cơ sở (năm 2018-2020) và là Đảng viên hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ năm 2020.

Thủ khoa xuất sắc Trường Sĩ quan Đặc công: Từ không biết bơi trở thành
Trương Công Hòa trong buổi lễ tốt nghiệp đào tạo chống khủng bố khóa 8. Ảnh: NVCC

Đặc biệt, trong quá trình học tập, thủ khoa 9x đã có 2 sáng kiến nghiên cứu cải tiến mô hình học cụ góp phần vào huấn luyện được Hội đồng khoa học trường đánh giá cao.

Ngoài ra, năm 2018-2019, Công Hòa còn tham gia thi Olympic các môn khoa học Mác- Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh. Công Hoà chia sẻ: "Đối với đặc thù ngành, đặc biệt lại là sĩ quan đặc công thì một yêu cầu lớn nhất là không chỉ giỏi về quân sự mà bản thân cần phải có một bản lĩnh chính trị tư tưởng vững vàng, đủ tư duy và lý luận để đấu tranh chống các thế lực thù địch chống phá trên mặt trận chính trị tư tưởng. 

Hơn thế nữa cần có một bản lĩnh vững vàng, ý chí quyết tâm khi đứng trước thử thách khó khăn của công việc bởi vì sĩ quan chuyên ngành Đặc công nước, môi trường huấn luyện tác chiến chủ yếu là sông, suối, biển… rất vất vả và khắc nghiệt, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn rất cao". 

Thủ khoa xuất sắc Trường Sĩ quan Đặc công: Từ không biết bơi trở thành
Thủ khoa Trường Sĩ quan Đặc công nhận nhiều giải thưởng trong 4 năm học. Ảnh: NVCC

Mặc dù bản thân được rèn luyện trong một môi trường làm việc đặc biệt, đặt kỷ luật lên hàng đầu thế nhưng ngoài giờ làm việc Công Hòa tự nhận mình là một người rất dễ gần, có tâm trong đối nhân xử thế, với gia đình, bạn bè, đồng đội luôn làm tròn chữ "tình". 

Hiện tại Công Hòa đảm nhiệm cương vị Trung đội Trưởng tại Lữ đoàn Đặc công Hải quân 126. Anh chia sẻ: "Những năm học tại trường đã tôi luyện cho tôi trở thành người sĩ quan Quân đội Nhân dân, người sĩ quan đặc công với ý chí thép, sức khoẻ cường tráng, có trình độ kỹ chiến thuật thuần thục, điêu luyện… và một khả năng chịu đựng khó khăn gian khổ để xứng đáng với truyền thống bộ đội đặc công".

(theo Dân Việt)

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bài liên quan

"Cây toán" dễ mến

Trong Ban chỉ huy Liên đội trường Tiểu học Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy, Hà Nội) có một “cây ...

Bài Gương Mặt khác

Hành trình tri ân và khám phá lịch sử

Ngày 28/3, tại thành phố Tam Kỳ, tỉnh Quảng Nam, Đại hội Cháu ngoan Bác Hồ tỉnh Quảng Nam lần thứ VII đã diễn ra thành công tốt đẹp, đánh dấu một chặng đường phát triển mới của phong trào thiếu nhi địa phương.

Người thắp lửa đam mê

Cô giáo Nguyễn Thị Thu – Tổng phụ trách Đội trường Tiểu học Phan Đăng Lưu (TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk) không chỉ là một giáo viên giỏi mà còn là người thắp lên ngọn lửa đam mê trong lòng học trò.

"Kình ngư" nơi phố núi

Nhắc đến Nguyễn Phương Bảo Ngọc, thần dân của lớp 7A10 trường TH-THCS và THPT Victory (TP. Buôn Ma Thuột, Tỉnh Đắk Lắk) thì ai cũng nể phục tài năng bơi lội và niềm đam mê bơi lội của cô bạn dễ thương này.

"Chiếc huy chương biết cười"

Sở hữu gương mặt sáng bừng với nụ cười luôn rạng rỡ cùng “bộ sưu tập các huy chương”, bạn Nguyễn Đức Anh (lớp 3D, trường Tiểu học Chu Văn An A, Tây Hồ, Hà Nội) được thầy cô và bạn bè trìu mến đặt cho biệt danh thật dễ thương: “Chiếc huy chương biết cười”. Chúng mình cùng đến thăm bạn ấy nhé!