Cụ thể, 14 tỉnh, thành cho học sinh tạm dừng đến trường gồm: Hà Nội, Lào Cai, Tuyên Quang, Đắk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh, Đà Nẵng, Hưng Yên, Trà Vinh, An Giang, Bạc Liêu, Phú Yên, Đăk Lăk (TP Buôn Mê Thuột).
Ở khối tiểu học, gần 785.000 học sinh (chiếm gần 13% tổng số học sinh tiểu học trên cả nước) phải dừng đến trường. Những địa phương chưa mở cửa với nhóm học sinh này là 12 quận nội thành Hà Nội, TP. Buôn Mê Thuột (Đăk Lăk) và toàn bộ học sinh các tỉnh Lào Cai, Tuyên Quang, Hưng Yên, Đăk Nông, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Quảng Ninh.
Trong số này, học sinh nội thành Hà Nội thiệt thòi hơn cả vì hàng trăm nghìn em chưa tới trường kể từ đầu năm học 2021-2022. Một số tỉnh, thành như Vĩnh Phúc, Phú Thọ đã cho học sinh đi học trực tiếp một thời gian nhưng phải dừng từ tuần này do tình hình dịch COVID-19 diễn biến phức tạp, Phú Thọ thậm chí trở thành "vùng cam" duy nhất của cả nước.

Ở khối THCS, học sinh 3 tỉnh Phú Thọ, Lào Cai, Vĩnh Phúc đã phải chuyển sang hình thức học trực tuyến từ tuần này. Tại Hà Nội, dù thành phố có quyết định cho học sinh khối 6 ở 12 quận nội thành Hà Nội học trực tiếp từ ngày 21/2 nhưng phải tạm hoãn do những diễn biến phức tạp của dịch bệnh.
Ở khối THPT, học sinh toàn thành phố Lào Cai cũng được thông báo tạm dừng tới trường học trực tiếp cho đến khi có thông báo mới.
Theo thống kê từ Bộ Giáo dục và Đào tạo, tính đến 17h ngày 21/2, cả nước có 49 địa phương mở cửa trường mầm non, giúp hơn 1,8 triệu trẻ (chiếm 55,31%) được chăm sóc và học tập bình thường.

Cũng tuần này, không chỉ hàng triệu học sinh phải ở nhà do COVID-19, hàng trăm nghìn em khác trong diện được đến trường cũng phải nghỉ học do rét đậm, nhiệt độ xuống dưới 10 độ C. Như ở Yên Bái, 70 trường mầm non (bao gồm cả nhóm trẻ), bảy trường tiểu học và 11 trường Tiểu học và THCS phải cho học sinh nghỉ. Ngay tại Hà Nội, hơn 455.000 học sinh tiểu học tại 18 huyện, thị ngoại thành cũng được nghỉ học.