“Tỉnh như sáo” vào ban đêm dù ban ngày mệt mỏi và buồn ngủ, lý do là đây!

Việt Chinh
Ban ngày luôn trong tình trạng uể oải, mệt mỏi, buồn ngủ nhưng cứ đêm xuống là lại tỉnh táo, thậm chí là thức xuyên đêm. Dưới đây là lời giải đáp cho các “cú đêm”.

Dùng thiết bị điện tử

Hầu hết mọi người, đặc biệt là các bạn trẻ hiện nay luôn có thói quen sử dụng thiết bị điện tử vào ban đêm, trước lúc ngủ để giải trí. Đó có thể là tivi, laptop nhưng phổ biến nhất chính là smartphone. Sóng từ các thiết bị này làm não của chúng ta bị kích thích, trở nên tỉnh táo hơn trong khi đó đáng lẽ phải là lúc cảm thấy buồn ngủ. Nếu như đây trở thành một thói quen mỗi ngày của bạn thì bộ não cũng sẽ tập thành thói quen “cú đêm” và ngày hôm sau bạn lại tiếp tục cảm thấy mệt mỏi, uể oải.

Các chuyên gia luôn khuyên rằng bạn không nên sử dụng các thiết bị điện tử trước giờ đi ngủ. Thay vào đó, bạn có thể đọc sách hoặc nghe các bản nhạc không lời nhẹ nhàng để dễ ngủ và có giấc ngủ sâu.


Rối loạn nhịp sinh học

Thường ở độ tuổi giữa đến cuối tuổi thiếu niên, đồng hồ sinh học của bạn sẽ bị thay đổi. Sự thay đổi này có vẻ hơi ngược khi bạn lại có một năng lượng mạnh mẽ hơn vào buổi tối và ngược lại, cảm thấy mệt mỏi vào ban ngày. Hãy cứ tập cho mình những thói quen ăn uống, ngủ nghỉ lành mạnh và rồi giai đoạn này cũng sẽ qua mà thôi.

Rối loạn chức năng tuyến thượng thận

‘Tuyến thượng thận của con người bơm ra cortisol. Mức cortisol thường cao nhất vào buổi sáng và giảm dần khi đêm xuống. Nhưng với những người bị rối loạn chức năng tuyến thượng thận, hay bị căng thẳng quá độ thì nồng độ cortisol lại không giảm xuống vào ban đêm khiến bộ não không thể rơi vào trạng thái nghỉ ngơi như bình thường. Để chắc chắn về nguyên nhân này thì bạn nên đến bệnh viện gặp bác sĩ, làm các xét nghiệm và có phương pháp điều trị.

Nhiều giấc ngủ ngắn vào ban ngày

Có thể bạn đã ngủ trưa hoặc ngủ gật vào ban ngày hơi nhiều dẫn đến việc tăng thêm năng lượng vào ban đêm. Tuy nhiên, nếu ban đêm bạn ngủ ít và muốn dùng những giấc ngủ ngắn vào ban ngày để bù lại thì cũng là điều không nên. Bởi vì, việc đó không hề hiệu quả, giấc ngủ ban đêm có vai trò riêng của nó mà dù bạn ngủ ban ngày bao nhiêu thì cũng không thể bù lại. Hơn nữa, việc ngủ ngày còn gây ra sự mất ngủ vào ban đêm. Đó trở thành một chuỗi lặp đi lặp lại gây ảnh hưởng đến sức khỏe, suy giảm chất lượng cuộc sống.

Vậy nên hãy cố gắng bớt ngủ vào ban ngày và đi ngủ đúng giờ vào ban đêm.


Hoạt động ban ngày đơn điệu

Người có lối sống ít vận động thường không có giấc ngủ sâu và ngon vào ban đêm. Nếu bạn không làm việc, học tập hết mình vào ban ngày thì ban đêm cũng thường khó ngủ hơn. Lý do là vì cơ thể không trải qua quá trình tiêu tốn năng lượng, dẫn đến mệt mỏi để cơ thể có thể cảm thấy buồn ngủ vào ban đêm. Vì vậy, bạn nên dành thời gian tập thể dục, hoạt động thể lực đều đặn mỗi ngày để tăng cường sức khỏe và đưa cơ thể “chạy” đúng nhịp.

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết “Tỉnh như sáo” vào ban đêm dù ban ngày mệt mỏi và buồn ngủ, lý do là đây! tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Chiều cao và những điều cần biết

Chiều cao bị ảnh hưởng rất lớn bới gen di truyền. Theo một số nghiên cứu, gen có thể ảnh hưởng tới 30-60% chiều cao tùy theo giai đoạn phát triển. Điều này có nghĩa là nếu cha mẹ có chiều cao vượt trội, con cái cũng có nhiều khả năng cao lớn hơn so với trung bình.

Dinh dưỡng để đảm bảo sức khỏe trong kỳ thi

Một chế độ dinh dưỡng khoa học, cân bằng sẽ giúp học sinh phát huy tối đa năng lực trí tuệ và sức bền trong suốt thời gian ôn thi căng thẳng. Dưới đây là những mẹo dinh dưỡng quan trọng giúp đạt kết quả tốt nhất trong kỳ thi.