Phát hành từ giữa tháng 9 vừa qua, Squid Game đang làm mưa làm gió trên thị trường quốc tế và được dự đoán sớm trở thành tác phẩm có nhiều lượt xem nhất trên nền tảng Netflix.
Thành công của bộ phim đến từ nội dung ý nghĩa, kịch bản độc đáo, nhà sản xuất sử dụng nhiều hình ảnh ẩn dụ và ý nghĩa ngụ ngôn đằng sau số phận từng nhân vật và tổng thể trò chơi. Vẫn là những trò chơi truyền thống của trẻ em Hàn Quốc từ bao đời nay nhưng qua Squid Game nó trở nên độc đáo và "khốc liệt" hơn nhiều.
Không chỉ trở thành chủ đề nóng trên MXH, Squid Game ngày càng ảnh hưởng sâu rộng trong xã hội và có thể coi là một hiện tượng văn hóa đại chúng của năm 2021.
Bằng chứng là hàng loạt trò chơi trong phim viral dữ dội trong cộng đồng. Giới trẻ thích thú với trò "Đèn xanh, đèn đỏ" tại trung tâm thương mại hay trò "Tách kẹo đường" rần rần cõi mạng.
Mới đây nhất, các trò chơi của Squid Game sẽ được tổ chức thành một cuộc thi do Trung tâm Văn hóa Hàn Quốc tại Abu Dhabi tổ chức vào hôm nay, ngày 12/10. Mọi quy trình tổ chức sẽ tương tự cuộc đấu khốc liệt trong phim.
Để trở thành thí sinh, người chơi phải trải qua một bài kiểm tra kiến thức về bộ phim. 30 người vượt qua bài test sẽ chia làm 2 đội, tham gia 4 trò chơi gồm: đèn xanh - đèn đỏ, tách kẹo, đập giấy và chơi bi. Tương tự trong phim, cuộc thi sẽ diễn ra theo hình thức đấu loại, ai thua phải ra ngoài và được theo dõi như khán giả khác.
Toàn bộ nhân viên vận hành giải đấu sẽ mặc đồng phục hồng cùng các biểu tượng tam giác, tròn, vuông như phim. Trong khi người chơi sẽ mặc áo phông in biểu tượng Squid Game.
Điều khác biệt là cuộc đua ngoài thực sẽ loại bỏ các yếu tố bạo lực và không tạo giải thưởng tiền mặt như trong phim.
Ông Nam Chan Woo - giám đốc Trung tâm Văn hóa Hàn quốc tại Abu Dhabi - chia sẻ: "Để tăng độ kịch tính trong phim, các giải đấu thường khá bạo lực. Nhưng các trò chơi trong phim đều là trò chơi truyền thống, phổ biến với trẻ em Hàn Quốc".