Theo cô Nguyễn Kiều Oanh, Trường Tiểu học Dĩnh Trì (TP Bắc Giang, tỉnh Bắc Giang), toán học bắt nguồn và gần gũi trong cuộc sống hàng ngày. Vì vậy, không thể phủ nhận mối liên hệ trực tiếp giữa Toán học với thực tiễn. Và một trong số đó chính là hình học.
Có thể bắt gặp bất cứ đâu xung quanh chúng ta hình ảnh của các đồ vật, sự vật thể hiện yếu tố hình học như cái bàn học, quyển vở, cái trống, ngôi nhà, giá sách, cái cốc, viên bi, bồn hoa,…cho đến việc đo đạc, tính toán trong cuộc sống như tính khoảng cách giữa hai địa điểm, tính diện tích khu đất, đo thể tích bể bơi,…
Do đó, việc giáo viên giúp học sinh biết vận dụng kiến thức vào cuộc sống góp phần khơi dậy hứng thú, sở thích của các em trong quá trình học tập, giúp các em nắm được thực chất của vấn đề và tránh hiểu một cách hình thức.
Qua học các nội dung hình học, học sinh còn được rèn luyện nhiều năng lực toán học, tạo cơ hội để học sinh được trải nghiệm, áp dụng toán học vào thực tiễn góp phần tích cực trong việc thực hiện mục tiêu đào tạo học sinh, đáp ứng mọi yêu cầu của xã hội.
Từ năm học 2020 - 2021, ngành GD&ĐT chỉ đạo phải thực hiện vận dụng mục tiêu, phương pháp dạy học nói chung và dạy học môn Toán nói riêng ở tất cả các lớp, đặc biệt ở lớp 5 để học sinh làm quen cách thức học tập kết nối, thực hành, vận dụng kiến thức toán học vào thực tế cuộc sống ở lớp 6 THCS.
Riêng với hình học ở tiểu học, theo cô Nguyễn Kiều Oanh, việc dạy học được sắp xếp đan xen với các mạch kiến thức khác. Các yếu tố hình học lớp 5 góp phần phát triển toàn diện năng lực tư duy, khả năng sáng tạo toán học, trí tưởng tượng không gian cho học sinh, giúp các em giải quyết một số vấn đề thực tiễn đơn giản gắn với hình học. Đồng thời, hình học còn góp phần giáo dục thẩm mĩ và nâng cao văn hóa toán học cho học sinh.
Tuy nhiên thực tế cho thấy, do sự ảnh hưởng lớn của sách giáo khoa và các tài liệu tham khảo, các kiến thức được đưa ra trong sách giáo khoa còn mang tính logic, trừu tượng, chưa nhiều bài toán có nội dung gần gũi với thực tế cuộc sống của học sinh.
Vẫn không ít giáo viên thụ động bám sát sách giáo khoa, ít đưa ra các bài toán có nội dung hình học liên quan đến thực tế cuộc sống và học sinh không được chủ động trải nghiệm nhiều trong quá trình học tập. Từ đó, dẫn đến học sinh chưa có sự say mê, ham thích tìm tòi đối với mảng hình học. Nhiều học sinh còn “e dè” vì không thấy được giá trị cũng như những ứng dụng quan trọng của hình học vào thực tiễn đời sống.
Vì thế, khi gặp các bài toán đơn giản cho sẵn các yếu tố có trong công thức thì học sinh làm được nhưng khi gặp các bài toán thực tế liên quan đến yếu tố hình học, học sinh lại lúng túng không biết làm thế nào.
“Bởi vậy trong quá trình dạy học, chúng ta không chỉ dạy cho học sinh nhớ, hiểu kiến thức mà cần tăng cường cho học sinh các hoạt động trải nghiệm sáng tạo, liên hệ với các tình huống thực tiễn hàng ngày để các em thấy rõ hơn ý nghĩa của tri thức Toán học và hứng thú hơn trong học tập bộ môn Toán, đáp ứng được yêu cầu đổi mới môn học”, cô Nguyễn Kiều Oanh chia sẻ.
Hiện nay chúng ta đang triển khai đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục; trong đó đổi mới phương pháp dạy học là vô cùng quan trọng.
Để tăng cường việc gắn liền dạy học trong nhà trường với thực tiễn cuộc sống, cô Nguyễn Kiều Oanh cho rằng, hiện nay trong một số trường tiểu học, đội ngũ giáo viên, học sinh đã và đang có những phương pháp dạy và học rất khả quan, tuy nhiên vẫn còn một số khó khăn.
Từ trải nghiệm thực tế, cô Nguyễn Kiều Oanh rút ra được một số nhận định về thực trạng tổ chức các hoạt động học tập để học sinh kết nối kiến thức hình học lớp 5 với thực tế cuộc sống.
Theo đó, về phía học sinh, theo như khảo sát cô Oanh thực hiện trên một số mẫu nhất định, có khoảng 40% học sinh biết và ứng dụng được một số kiến thức đã được học vào cuộc sống, khoảng 90% học sinh có nhu cầu muốn tìm hiểu rõ hơn về ứng dụng của nội dung hình học đối với thực tiễn, khoảng 30% học sinh có những phương pháp học rất hay để chủ động trong việc học tập môn Toán.
Bên cạnh đó, một số học sinh chưa có sự hứng thú với việc học tập nên còn chưa chủ động với việc tìm hiểu và ứng dụng nội dung hình học vào thực tế.
Về phía giáo viên, khoảng 40% giáo viên vẫn chỉ muốn sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống: thuyết trình, diễn giảng,… 60% giáo viên tích cực phối hợp sử dụng các phương pháp dạy học truyền thống với các phương pháp dạy học theo định hướng phát triển năng lực. Tuy nhiên, chưa nhiều và chưa thường xuyên. Điều này đã làm hạn chế và giảm hứng thú học tập của học sinh.
Đa số các giáo viên đều nhận thức được và cho rằng việc tổ chức các hoạt động học tập để học sinh kết nối kiến thức hình học lớp 5 với thực tế cuộc sống là cần thiết, nhưng giáo viên lại ngại tìm hiểu, ngại thay đổi.
Tổ chức các hoạt động học tập để học sinh kết nối kiến thức hình học lớp 5 với thực tế cuộc sống chưa thực sự đạt được hiệu quả, cô Nguyễn Kiều Oanh phân tích các nguyên nhân như sau:
Thứ nhất, các kiến thức được đưa ra trong sách giáo khoa còn trừu tượng, chưa thực sự gắn liền với thực tế. Ví dụ như bài “Xăng-ti-mét khối. Đề-xi-mét khối” sách giáo khoa Toán 5, có 2 bài tập trong phần luyện tập. Tuy nhiên, cả hai bài tập này đều chỉ rèn kĩ năng viết số đo thể tích, đọc số đo thể tích và tính toán với số đo thể tích mà không hề có bài tập nào liên quan đến thực tế.
Thứ hai, một số giáo viên cố gắng thuyết trình, giảng giải hết những nội dung kiến thức có trong sách giáo khoa, yêu cầu học sinh học thuộc, nhớ máy móc theo sách giáo khoa, thậm chí biến giờ dạy thành một giờ “đọc chép” từ sách giáo khoa.
Có nhiều giáo viên chưa quan tâm đến việc tổ chức các hoạt động học tập để học sinh kết nối kiến thức hình học lớp 5 với thực tế cuộc sống. Bởi vậy, chỉ chú trọng đến việc hình thành kiến thức mới, không gắn liền kiến thức với thực tiễn, ít đưa ra các bài toán có nội dung hình học liên quan đến thực tế cuộc sống.
Thứ ba, học sinh còn chưa nhận thức được tầm quan trọng của vận dụng kiến thức hình học vào thực tiễn, các em còn mải chơi hoặc chưa thực sự quan tâm đến việc này.
Thứ tư, do sự phát triển của xã hội, sự tác động mặt trái của nền kinh tế thị trường. Thời gian gần đây có nhiều hoạt động vui chơi, giải trí ngoài trường học như: phim ảnh, trò chơi điện tử,…nên học sinh bị chi phối rất nhiều về mặt thời gian và sức lực.
Bên cạnh đó, cả giáo viên và học sinh còn bị áp lực với thi cử, “học gì, thi nấy”. Vì vậy, việc tổ chức các hoạt động học tập để học sinh kết nối kiến thức hình học lớp 5 với thực tế cuộc sống còn bị động và đôi khi vẫn mang tính chất “cưỡi ngựa xem hoa”.
(Theo GD&TĐ)