Tổng thống Mỹ công bố bức ảnh sâu nhất vũ trụ con người từng chụp được

Bảo Bối
Lần đầu tiên con người đã có cơ hội quan sát một cụm thiên hà sơ khai qua những bức ảnh với độ sâu và sắc nét lớn nhất từ trước đến nay của kính viễn vọng không gian James Webb.

Bức ảnh này đã ghi lại SMACS 0723 - chùm các thiên hà hoạt động như một tấm kính phóng đại các vật thể đằng sau chúng. Được gọi là thấu kính hấp dẫn, hiện tượng này đã được tái hiện trong bức ảnh ngoạn mục của Kính thiên văn Webb, cho thấy hình ảnh những thiên hà mờ nhạt, xa xôi và lâu đời đến khó tin.

Tổng thống Mỹ công bố bức ảnh sâu nhất vũ trụ con người từng chụp được - Ảnh 2
Bức ảnh sâu nhất của vũ trụ mà chúng ta từng ghi lại được. Ảnh: NASA

Buổi công bố bức ảnh trên diễn ra ở Nhà Trắng trong một sự kiện phối hợp với người điều hành NASA - ông Bill Nelson.

"Đây là bức ảnh sâu nhất của vũ trụ mà chúng ta từng ghi lại được", ông Nelson cho hay.

Một số thiên hà và chòm sao xa xôi trong số này chưa từng quan sát được trước đó. Chòm thiên hà được trình chiếu dường như đã xuất hiện cách đây 4,6 tỷ năm.

Bức ảnh trên, được chụp bởi camera hồng ngoại gần (Near-Infrared Camera) của Kính thiên văn Webb, bao gồm các hình ảnh được chụp ở những bước sóng khác nhau trong 12,5 tiếng. Bức ảnh Extreme Deep Field (Trường ảnh siêu sâu) của Kính thiên văn Hubble từng mất nhiều tuần để ghi lại được.

Những bức ảnh màu có độ phân giải cao còn lại sẽ được công bố ngày 12/7 (giờ Mỹ). Kính thiên văn Webb, hoạt động từ tháng 12, có thể quan sát bên trong những khu vực chứa các ngoại hành tinh và một số thiên hà đầu tiên ra đời ngay sau khi vũ trụ hình thành bằng cách quan sát chúng qua tia hồng ngoại, vốn mắt thường không thể thấy được.

Tổng thống Mỹ công bố bức ảnh sâu nhất vũ trụ con người từng chụp được - Ảnh 1
Tổng thống Mỹ Joe Biden được các quan chức NASA giới thiệu sơ lược khi xem những hình ảnh đầu tiên từ kính viễn vọng không gian Webb tại Nhà Trắng. Ảnh: Reuters.

NASA đã chia sẻ những mục tiêu đầu tiên của Kính thiên văn Webb ngày 8/7 khi cung cấp những gì sẽ được công bố ngày 12/7, bao gồm: Tinh vân Carina, hành tinh khí WASP-96b, Tinh vân Southern Ring và chòm thiên hà Stephan's Quintet.

Nằm cách chúng ta 7.600 năm ánh sáng, Tinh vân Carina (Thuyền Để) là một vườn ươm sao hay nơi các vì sao ra đời. Đây là một trong những tinh vân lớn nhất và sáng nhất trên bầu trời, cũng như là nơi có nhiều ngôi sao vĩ đại hơn nhiều so với Mặt trời của chúng ta.

Kính thiên văn Webb cũng quan sát hành tinh khí khổng lồ WASP-96b ở các bước sóng khác nhau, có thể tiết lộ thêm thông tin mới về hành tinh này. Được phát hiện năm 2014, WASP-96b nằm cách Trái Đất 1.150 năm ánh sáng. Nó bằng một nửa khối lượng sao Mộc và hoàn thành quỹ đạo quanh ngôi sao của mình chỉ trong 3,4 ngày.

Tổng thống Mỹ công bố bức ảnh sâu nhất vũ trụ con người từng chụp được - Ảnh 3
Kính viễn vọng James Webb tại Trung tâm Chuyến bay không gian Goddard của NASA, trước khi được phóng - Ảnh: NASA

Tinh vân Southern Ring (Chiếc Nhẫn), nằm cách Trái Đất 2.000 năm ánh sáng. Tinh vân hành tinh này chứa những đám mây khí mở rộng quanh một ngôi sao đang chết.

Hình ảnh Stephan's Quintet từ kính thiên văn Webb cũng tiết lộ cách thức các thiên hà tương tác với nhau. Nhóm thiên hà này được phát hiện lần đầu vào năm 1787, nằm cách chúng ta 290 triệu năm ánh sáng trong chòm sao Pegasus (Phi Mã).

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tổng thống Mỹ công bố bức ảnh sâu nhất vũ trụ con người từng chụp được tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.