Mưa sao băng Lyrid năm nay diễn ra trùng với giai đoạn trăng mới. Lúc này, trên bầu trời hầu như không có ánh trăng nên rất thuận lợi để quan sát các vệt sáng gây ra bởi bụi sao chổi.
Lyrid hay còn gọi là Thiên Cầm, là một trong 48 chòm sao theo mô hình của Ptolemy, cũng là một trong 88 chòm sao hiện đại. Thiên Cầm xếp hình dáng đàn lia, nằm giữa các chòm Thiên Nga, Vũ Tiên, Hồ Ly và Thiên Long.
Vị trí xuất phát của mưa sao băng Thiên Cầm. Ảnh: Space
Vào thời điểm cực đại, mức độ của mưa sao băng này thường xuất hiện trung bình 10 - 20 vệt sáng trên bầu trời mỗi giờ. Trước đây, mưa sao băng Lyrid cũng từng lập các kỷ lục vào năm 1982, mưa đạt đến hơn 180 vệt sáng chỉ trong vài phút, hay năm 1922 cũng đạt tới 100 vệt trong một giờ.
Mưa sao băng Lyrid có nguồn gốc từ các hạt bụi và mảnh vỡ của sao chổi C/1861 G1 Thatcher, được khám phá vào năm 1861. Đây cũng là một trong những đợt mưa sao băng được ghi nhận sớm nhất, vào khoảng 2.700 năm trước ở Trung Quốc.
Hàng năm, mưa sao băng Lyrids này thường xuất hiện khoảng từ ngày 16/4 đến ngày 25/4.
Để quan sát mưa sao băng Lyrid, theo các nhà thiên văn học tốt nhất hãy quan sát lúc 1h sáng ngày 23/4. Mọi người nên chọn nơi có điều kiện thời tiết tốt, góc nhìn rộng, ít có ánh sáng nhân tạo và thoáng đãng để có thể chiêm ngưỡng hiện tượng. Sao băng thường xuất hiện từ phía chòm sao Lyra, nhưng cũng có thể xuất hiện bất cứ nơi nào trên bầu trời.