Tranh cãi của người lớn, có nên để học sinh “dự phần”?

ducthuan
Nhiều chuyện tranh cãi ồn ào trong dư luận trong thời gian qua “bỗng nhiên” được đưa vào làm đề thi hết học kỳ I của một vài trường, điều này có nên hay không?

Đề xuất cải cách chữ viết của PGS.TS Bùi Hiền đã tạo nên một làn sóng tranh luận rộng khắp, từ giới chuyên môn, cho đến những người dân bình thường cũng quan tâm, từ báo chí chính thống cho đến mạng xã hội cũng đưa ra nhiều ý kiến tranh luận dưới nhiều góc độ được mổ xẻ về đề xuất này, từ học thuật chuyên sâu, thói quen sử dụng. Vì sao lại như vậy, bởi vì chữ viết liên quan đến tất cả mọi người đã và đang sử dụng nó như một phương tiện ngôn ngữ, giao tiếp hàng ngày. Đến mức Phó Thủ tướng, Bộ Giáo dục và Đào tạo phải lên tiếng không có chủ trương đổi mới chữ viết. 

Tuy nhiên, câu chuyện tranh luận mới đây lại bị xới lại khi một số trường học đặt câu hỏi trong đề thi môn ngữ văn liên quan đến đề xuất chuyển đổi tiếng Việt này.

Tiếp đến, lại xuất hiện đề thi văn đề nghị học sinh hóa thân vào Chi Pu để kể về một ngày của mình sau khi ra mắt MV Từ hôm nay. Việc Chi Pu ra mắt MV Từ hôm nay và tuyên bố từ nay hãy gọi cô là ca sĩ cũng đã tốn không ít giấy mực báo giới thời gian qua, có cả sự lên tiếng của các ca sĩ. Có ca sĩ còn đề nghị cấp lại thẻ hành nghề cho những ai cầm míc với dang xưng ca sĩ. Thậm chí, đại diện Cục nghệ thuật biểu diễn cũng đưa ra quan điểm khá thẳng thắn.

 

Ảnh minh họa/giaoducthoidai.vn

Chưa hết, nhiều học sinh lớp 8 mới làm quen với thể loại nghị luận xã hội nhưng đã phải làm những vấn đề khá to tát, nhiều ẩn dụ, triết lý với đoạn trích của nhà văn Nguyễn Khải :“Còn gì đáng buồn hơn khi mà giàu có về vật chất thì lại nghèo nàn đến thảm hại về văn hóa tinh thần. Một bộ phận thanh niên bây giờ nghĩ nhiều, nói nhiều đến tiền bạc, hưởng thụ. Ăn mặc đẹp sang trọng, tiện nghi hiện đại lắm, nhưng con người thì vô cùng mỏng. Gió thổi nhẹ là bay biến tứ tán ngay. Ngày trước dân ta nghèo nhưng đức dày, nhân cách vững vàng, phong ba bão táp không hề gì… ".

Và theo các cô giáo dạy ngữ văn thì đây là đề thi nâng cao trong bộ đề dành cho học sinh lớp 11. Đề thi không sai nhưng “quá sức” đối với học sinh lớp 8.

Điểm lại một số đề thi văn “khác lạ” kể trên để thấy một loạt những vấn đề đã và đang tồn tại trong giáo dục hiện nay: đề thi mở là cần thiết dành cho học sinh, nhưng “mở” đến đâu và chọn vấn đề gì thì không hề đơn giản. Nếu các thầy cô giáo cho rằng mang những vấn đề “thời sự”, thu hút sự quan tâm của dư luận vào bài thi sẽ khiến môn học không bị cũ kỹ, mang hơi thở cuộc sống. Quan niệm này không sai nhưng nếu không chọn lọc kỹ lưỡng thì dễ bị phản tác dụng. Vô hình chung, học sinh nếu không muốn “đứng ngoài cuộc” với những câu hỏi mang tính thời sự của một kỳ thi thì phải đọc báo, phải quan tâm những vấn đề dư luận, thậm chí phải quan tâm đến showbiz?.

Quay trở lại đề thi đề xuất cải cách tiếng Việt, có ai dám chắc trong số người lớn, giáo viên hiểu hết được công trình nghiên cứu này (xuất phát từ đâu, vì sao, ưu nhược điểm…) để nói lên suy nghĩ của mình, hay suy nghĩ ở đây là chỉ dưới góc độ “cảm tính”?. Hoặc như đề thi về trường hợp Chi Pu, liệu tất cả học sinh, giáo viên có đủ kiến thức về âm nhạc để đi nhập vai người khác?. Chưa kể, giữa nhân vật chính - Chi Pu và các em học sinh không cùng tuổi với nhau, sự từng trải và quan niệm khác nhau nên việc nhập vai là khập khiễng.

Dường như chúng ta đã quá kỳ vọng ở học sinh để đưa ra những tranh luận mà ngay cả người lớn còn lúng túng, chưa tìm được hồi kết thỏa đáng. Những tranh luận và kiến thức “quá sức” so với lứa tuổi của các em học sinh có thể đem lại hiệu quả trong việc dạy và học môn văn?. Với thể thao, hoặc môn học khác nếu học sinh vượt qua được xuất sắc những “chướng ngại vật” quá sức chắc sẽ được hoan nghênh và ghi nhận thành tích. Nhưng với môn văn – học để cảm thụ, để thấy cái hay, cái đẹp của nghệ thuật, để con người sống tốt hơn, nhân văn hơn… thì việc ra đề thi “quá sức” cần thận trọng và cân nhắc. Liệu có phải người lớn đang bắt các em phải gồng mình lên “nghĩ hộ” cho người lớn không?. Bởi đây là sự mạo hiểm, là con dao hai lưỡi.

Những cuộc tranh luận của người lớn, có nên để học sinh “dự phần” bằng cách “ép buộc” trong những bài kiểm tra quan trọng như học kỳ I?. Nếu không xem xét, có lựa chọn hợp lý, hiệu quả thì rất có thể một số người làm giáo dục đang “hớt váng thông tin”, chỉ nhìn vào cái vỏ thông tin mà chưa đi đến bản chất vấn đề, rất khó định hướng cho học sinh.

Một bài thi không chỉ đánh giá năng lực của học sinh mà người ngoài cuộc còn nhìn thấy cả quan điểm giáo dục của những người cầm phấn đứng trên bục giảng.

Theo Toquoc.vn

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tranh cãi của người lớn, có nên để học sinh “dự phần”? tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ của học sinh dịp lễ 30/4 và 1/5

Thủ tướng đồng ý với đề nghị của Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội về việc hoán đổi ngày làm việc dịp nghỉ lễ 30/4 và 1/5, do đó người lao động được nghỉ 5 ngày liên tục. Theo đó, lịch nghỉ và học bù của học sinh cũng sẽ được điều chỉnh.