Trẻ em trên khắp thế giới đón Giáng sinh thế nào?

Nguyễn Hà
Chúng mình hãy cùng nhau khám phá xem các bạn nhỏ trên thế giới đón Giáng sinh như thế nào nhé!

Pháp

Nước Pháp bắt đầu đón Giáng Sinh từ ngày lễ St Nicholas (ngày 06/12). Lúc này, các thành phố đều được trang hoàng rực rỡ, đặc biệt là ở vùng Alsace – nơi cây thông Giáng Sinh xuất hiện đầu tiên vào thế kỉ 14. Và vào đêm Giáng Sinh, trẻ em đặt đôi giày mới của mình trước ống khói và hy vọng "Père Noël" (ông già Noel trong tiếng Pháp) sẽ đổ thật nhiều bánh kẹo và đồ ngọt vào đôi giày. Ngày hôm sau (25/12) là một ngày nghỉ lễ chính thức và các gia đình sẽ có một bữa tiệc lớn cùng nhau. Đây cũng là ngày mọi người trao đổi quà tặng Giáng Sinh cho nhau.

ITALIA (Ý)

Ở Ý, bộ phận trang trí quan trọng nhất của lễ Giáng Sinh là mô hình cảnh Chúa Giáng Sinh. Mô hình này tái hiện lại đêm Thiên Chúa ra đời trong máng cỏ, với mẹ Maria, cha Josehp và các thiên thần ca hát ở bên. Người ta thường đặt mô hình trong các nhà thờ, tại các quảng trường lớn và ở trước nhà riêng của mình.

Mô hình Chúa Giáng Sinh luôn có phông nền chính là một nhà kho đầy rơm rạ. Truyền thống này xuất phát từ Ý và đến nay đã được phổ biến ở nhiều nơi trên thế giới. Ông già Noel được gọi là “Babbo Natale” trong tiếng Ý, sẽ trao quà cho trẻ em vào ngày Giáng Sinh. Tuy nhiên thường thì đến ngày 6/1 mọi người mới bắt đầu tặng quà cho nhau.

Mỹ

Ở Mỹ, vào ngày Giáng sinh, các thành viên trong gia đình đổi quà, đến thăm bạn bè tặng quà cho nhau và cùng bước vào bàn tiệc thịnh soạn. Ông già Noel được cho là rất thích ăn bánh quy nên trẻ em thường chuẩn bị bánh quy và sữa để mời ông. Phong tục chuẩn bị bánh quy, sữa cho ông già Noel và cà rốt cho những chú tuần lộc vẫn được giữ đến ngày nay ở nhiều gia đình.

Thụy Điển

Những con tuần lộc của ông già Noel có thể sẽ cảm thấy hơi mệt mỏi sau chuyến đi dài đến nhiều quốc gia và nhiều gia đình. Vì vậy, các bạn nhỏ ở Thụy Điển sẽ mời các chú tuần lộc một ly cà phê để có thể tỉnh táo trong suốt hành trình của mình.

Đan Mạch

Điểm dừng tiếp theo của bữa tiệc của ông già Noel là Đan Mạch, nơi ông có thể thưởng thức 1 bát risengrod, hoặc bánh pudding tại nhà của những người đang chờ ông trong đêm Giáng sinh. Theo truyền thuyết của Đan Mạch, những chú tuần lộc Nisser và Tomte sẽ nghịch ngợm và quấy phá nếu không được chủ nhà mời 1 bát risengrod.

Đức

Trong những tuần trước Giáng Sinh, các chợ Giáng Sinh bắt đầu xuất hiện tại các quảng trường chính trong nhiều thành phố. Cũng như các quốc gia khác, bắt đầu từ đầu tháng 12 người Đức đã trang trí nhà cửa để đón Noel, tuy nhiên cây thông Noel chỉ được trưng bày từ sáng ngày 24/12 như một nhắc nhở đặc biệt cho ngày lễ ấm áp này.

Bắt đầu vào 24/12, các cửa hàng đều đóng cửa, vì vậy việc mua sắm cho lễ Giáng Sinh chỉ có thể kéo dài trễ nhất là giờ ăn trưa ngày 24/12. Trẻ em sẽ đặt một chiếc giày hay chiếc bốt cao cổ bên ngoài bậc cửa đêm Giáng Sinh, và sáng hôm sau chiếc giày sẽ được phủ đầy kẹo hoặc những món đồ chơi nhỏ.

Chile

Ở Chile, các bạn nhỏ sẽ chuẩn bị bánh xốp cùng với rất nhiều hoa quả và hạt khô cho ông già Noel và những chú tuần lộc của ông.

Áo

Ông già Noel sẽ không đi phát quà vào đêm Noel như bình thường, mà sẽ đi phát kẹo, hạt dẻ cho trẻ em từ ngày 6/12. Vào ngày 24 một nhân vật tí hon với đôi cánh xinh đẹp tên là Kristkindl sẽ mang cây thông Noel cùng quà đến. Trẻ con bước vào phòng sẽ vô cùng sung sướng khi nghe những tiếng chuông leng keng, cây thông Noel cùng với kẹo mứt.

Phlippines

Người Phlippines có truyền thống treo những chiếc lồng đèn Giáng Sinh, được gọi là “Paról” – là những chiếc đèn hình ngôi sao – vào lễ Giáng Sinh. Đây là những chiếc đèn lồng được làm thủ công từ tre và giấy nhằm mô phỏng những ngôi sao Bethlehem trong đêm Chúa Giáng Sinh.

Với ý nghĩa là một ngôi sao dẫn đường, Paról thắp sáng đường phố ở Philipines bằng ánh sáng rực rỡ nhiều màu sắc khiến cho Noel ở nước này thêm phần vui vẻ và hạnh phúc.

Úc

Thay vì tổ chức lễ Giáng Sinh trong nhà với cây thông Noel, đèn Led lấp lánh và những chú gà tây, người Úc có truyền thống tham gia vào những buổi dã ngoại ngoài trời được tổ chức bởi các nhà thờ và cùng nhau hát mừng Giáng Sinh trên bãi biển. Vì Úc ở bán cầu Nam, Giáng Sinh diễn ra vào mùa hè. Đó là lí do vì sao mọi người chọn bãi biển làm nơi tụ họp gia đình và bạn bè.

Nga và Ukraine

Ở Nga và Ukraine, người ta ăn mừng lễ Giáng Sinh vào ngày 7/1 chứ không phải ngày 25/12 như hầu hết các quốc gia khác. Sự định ngày không giống bình thường này có nguyên nhân là bởi những nhà thờ chính giáo sử dụng lịch Julian (một loại lịch được sử dụng trong thời kì La Mã cổ đại) để ăn mừng những ngày lễ lớn. Trong lễ Giáng Sinh truyền thống của người Nga, đặc biệt là với những người theo đạo Công Giáo, có khi kéo dài tới 39 ngày, đến tận ngày 06/02 (đêm Giáng Sinh), khi ngôi sao đầu tiên xuất hiện trên bầu trời.

Chi Đặng (Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Trẻ em trên khắp thế giới đón Giáng sinh thế nào? tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Đình làng Hà Hồi

Nằm ở vị trí trung tâm xã Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội), đình làng Hà Hồi là một trong 6 ngôi đình cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ còn tồn tại đến ngày nay.