Hội nghị là bước để triển khai 7 nhóm nhiệm vụ của Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2021-2025 được Thủ tướng Chính phủ giao tại Quyết định số 1660/QĐ-TTg, ban hành ngày 02/10/2021, với mục tiêu duy trì, đẩy mạnh hoạt động giáo dục, chăm sóc, bảo vệ và quản lý sức khỏe học sinh trong các cơ sở giáo dục mầm non và phổ thông nhằm bảo đảm sự phát triển toàn diện về thể chất, tinh thần cho học sinh.
Tại hội nghị, các đại biểu đã được nghe kế hoạch triển khai các hoạt động thực hiện Chương trình Sức khỏe học đường giai đoạn 2022-2025; kế hoạch giáo dục sức khỏe tâm thần cho trẻ em, học sinh của ngành Giáo dục giai đoạn 2022-2026; các nhiệm vụ trong công tác quản lý, chăm sóc sức khỏe học sinh: bảo đảm dinh dưỡng và an toàn thực phẩm, sức khỏe tâm thần, nước sạch vệ sinh môi trường trong trường học và cùng chia sẻ kế hoạch triển khai, những khó khăn, thuận lợi và các mô hình triển khai công tác chăm sóc sức khỏe giữa các địa phương.
Các nhà quản lý, chuyên gia giáo dục, chuyên gia về sức khỏe trong nước và quốc tế đã trình bày các tham luận, chỉ ra tầm quan trọng của việc chăm lo sức khỏe cho trẻ em nói chung và sức khỏe học đường nói riêng. Bà Lê Anh Lan, Quyền trưởng Chương trình Giáo dục của UNICEF Việt Nam nhấn mạnh, tầm quan trọng của việc chăm lo khỏe tâm thần cho trẻ em, nhất là trẻ em ở tuổi vị thành niên. Trong đó, nhà trường có vai trò hết sức quan trọng để có thể kịp thời phát hiện và giúp đỡ các em khỏi những rắc rối do sức khỏe tâm thần mang đế.
Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Ngô Thị Minh nhấn mạnh, chăm sóc, bảo vệ và nâng cao sức khỏe cho học sinh đóng vai trò rất quan trọng trong sự phát triển toàn diện về thể chất, trí tuệ và tinh thần của thế hệ trẻ. Học sinh là thế hệ tương lai của đất nước, sức khoẻ của học sinh hôm nay chính là sức khỏe của dân tộc ta mai sau. Bên cạnh sự quan tâm về giáo dục, học sinh cần được hưởng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, phòng chống bệnh tật hay gặp và các bệnh do chính yếu tố học đường gây nên.
Thứ trưởng cho rằng, bên cạnh những thuận lợi, công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh cũng còn gặp nhiều khó khăn, hạn chế. Mặc dù thời gian qua mạng lưới trường, lớp, cơ sở vật chất đã được tăng cường, tuy nhiên chưa đáp ứng được yêu cầu phục vụ cho công tác chăm sóc sức khỏe cho học sinh. Để triển khai hiệu quả chương trình, Thứ trưởng đề nghị các địa phương khẩn trương rà soát 20 tiêu chí trong 5 nhóm tiêu chí của nội dung chương trình, từ đó xây dựng kế hoạch có các giải pháp chi tiết, cụ thể cho địa phương mình.
Để thực hiện thành công chương trình phải quan tâm, huy động nguồn lực xã hội hóa. Đồng thời, các địa phương cũng phải linh hoạt, tích hợp các chương trình mục tiêu, các đề án, dự án khác sao cho đạt mục tiêu đặt ra của Quyết định số 1660/QĐ-TTg. Cần có kế hoạch cụ thể để ứng dụng những thành tựu của công nghệ thông tin và chuyển đổi số vào quản lý sức khỏe học sinh.
Thứ trưởng Ngô Thị Minh nhấn mạnh, để thực hiện chương trình này, ở Trung ương đã có sự phối hợp của 9 bộ, ngành. Điều này đồng nghĩa với việc ở địa phương cũng phải có sự bắt tay của 9 sở, ngành. Tuy nhiên, phải phân công rõ đầu mối và thể hiện được vai trò tham mưu của từng sở, ngành để triển khai thực hiện. Vai trò của Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể ở địa phương cũng phải phát huy để cùng xây dựng kế hoạch chi tiết và triển khai thành công Chương trình Sức khỏe học đường, qua đó giúp cho học sinh Việt Nam ngày càng phát triển đầy đủ cả về đức - trí - thể - mỹ.