Theo quyết định này, Đại học Bách khoa Hà Nội là đơn vị sự nghiệp công lập tự chủ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT), có tư cách pháp nhân, con dấu và tài khoản riêng.
Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện tổ chức lại cơ cấu tổ chức và hoạt động trên cơ sở Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo quy định của Luật Giáo dục đại học năm 2012 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học năm 2018 và quy định pháp luật có liên quan; quá trình tổ chức lại phải bảo đảm hoạt động bình thường không gây thất thoát, lãng phí tài chính, tài sản.
Hội đồng trường, Chủ tịch Hội đồng trường, Hiệu trưởng của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội tiếp tục thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo các quy định hiện hành cho đến khi Bộ trưởng Bộ GD&ĐT quyết định thành lập Hội đồng Đại học, công nhận Chủ tịch Hội đồng Đại học và công nhận Giám đốc Đại học Bách khoa Hà Nội.
Tại Điều 4 Luật Giáo dục 2012, được sửa đổi, bổ sung năm 2018 nêu rõ: Trường đại học, học viện (sau đây gọi chung là trường đại học) là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều ngành, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; Đại học là cơ sở giáo dục đại học đào tạo, nghiên cứu nhiều lĩnh vực, được cơ cấu tổ chức theo quy định của Luật này; các đơn vị cấu thành đại học cùng thống nhất thực hiện mục tiêu, sứ mạng, nhiệm vụ chung. Theo định nghĩa trên, trường đại học là cơ sở đào tạo nhiều ngành nhưng không đào tạo nhiều lĩnh vực. Còn đại học là một cơ sở đào tạo trên nhiều lĩnh vực (trong mỗi lĩnh vực có thể có nhiều ngành). Hiện nay, Việt Nam có 2 đại học quốc gia là Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh; 3 đại học vùng là Đại học Thái Nguyên, Đại học Huế và Đại học Đà Nẵng. |
Trước đó, mô hình tổ chức Trường Đại học Bách khoa Hà Nội là kết quả của quá trình tái cấu trúc, thí điểm thực hiện tự chủ đại học từ năm 2011, một mô hình quá độ trong định hướng phát triển thành đại học qua các giai đoạn như:
Từ năm 2011-2016, phân cấp cho các học viện tự chủ trong đào tạo và nghiên cứu; Từ năm 2014-2017, thực hiện tự chủ theo tinh thần Nghị quyết số 77 NQ-CP của Chính phủ về thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động đối với các cơ sở giáo dục đại học công lập.
Từ năm 2016-2019, thực hiện Đề án thí điểm đổi mới cơ chế hoạt động của Trường Đại học Bách khoa Hà Nội theo Quyết định số 1924/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ ngày 6/10/2016.
Đặc biệt, trong năm 2020, Trường có vị trí trong TOP 1000 trường đại học tốt nhất thế giới và TOP 400 các trường đại học về lĩnh vực Kỹ thuật và Công nghệ theo các bảng xếp hạng do Times Higher Education thực hiện và công bố.
Bốn nhóm ngành của Trường được xếp trong tốp 400 và 500 thế giới theo Bảng xếp hạng QS World University Ranking by Subject 2020. Ba nhóm ngành Kỹ thuật Điện - Điện tử; Kỹ thuật Cơ khí, Hàng không và Chế tạo; Khoa học máy tính và Hệ thống thông tin tăng từ 50 đến 100 bậc so với năm 2019 và tiếp tục giữ vị trí số 1 Việt Nam, trong khi ngành Toán học lần đầu tiên xuất hiện trên bảng xếp hạng này.