Vì nhiều nguyên do như nghèo đói, tư tưởng trọng nam khinh nữ, ... tỷ lệ thất học ở Ấn Độ thuộc hàng khá cao trên thế giới.
Những tưởng cả cuộc đời bà Ansuya Deshmukh sẽ không bao giờ có thể đến trường nữa, nhưng giờ đây đã khác. Ngôi làng Phangane ở bang Maharashtra đã lập ra một ngôi trường ở giữa làng, có tên là Aajibaichi Shala. Người ta gọi đây là “Ngôi trường của bà nội”, bởi trường chỉ nhận “học trò” từ 60 tuổi trở lên mà thôi.
Chia sẻ với tờ SMH của Australia, bà Deshmukh vui vẻ nói: “Suốt đời tôi chẳng biết chữ và tôi sống như một người không hoàn thiện vậy, nhưng tôi chẳng thể làm gì, cha mẹ tôi quá nghèo để có thể cho tôi ăn học. Giờ thì tôi có thể nhắm mắt rồi, tôi đã biết viết tên của chính tôi”.
Cụ bà Deshmukh là học sinh lớn tuổi nhất ở trường. Mặc dù đã bị lãng tai ở tuổi 90 của cụ, giờ đây cụ có thể đọc thuộc bảng chữ cái bằng tiếng địa phương (Marathi).
Trong khi một cụ bà khác, bà Kamal Keshavtupange, 60 tuổi thì không giấu được nỗi vui mừng khi được hỏi: “Tôi muốn đi học lắm” - bà vừa trả lời vừa giặt quần áo.
Học sinh trường Aajibaichi Shala sẽ đi học 2 tiếng vào các buổi chiều Thứ Sáu hàng tuần, thời gian học được “tính toán” sao cho các học sinh có thể hoàn thành tốt việc nhà và việc đồng áng trước khi “chuyên tâm” vào việc học tập.
Các cụ già từ tuổi 60 trở lên rất hứng khởi học tập ở ngôi trường đặc biệt của làng Phangage
Một điều thú vị nữa là đồng phục cho những học sinh trường Aajibaichi Shala là một màu hồng rực rỡ. Đúng ngày Quốc tế Phụ nữ 8/3 năm nay, trường kỷ niệm 1 năm thành lập.
Trong ảnh, cụ Kanta More, 65 tuổi đang học chữ cùng với cháu gái 7 tuổi.
Trong suốt 1 năm qua, những học sinh lớn tuổi của trường đã được dạy đọc, viết và làm các phép toán cơ bản. Hầu hết họ đều cảm thấy hài lòng với “ngôi trường cho bà nội” độc nhất vô nhị này.
Mai Lâm (Dịch)
Nguồn: The Sydney Morning Herald