Từ nữ sinh khiếm thị tới cô gái "vàng" cờ vua

vuhien
Bị khiếm thị từ 6 tuổi, Minh Thư nỗ lực vượt khó để giành 5 huy chương vàng, 2 huy chương bạc chỉ trong 3 năm thi đấu Paragames.

Sinh ra và lớn lên ở huyện Ninh Hòa (Khánh Hòa), Nguyễn Thị Minh Thư có tuổi thơ êm đềm giống như các bạn cùng lứa cho tới lúc lên 6 tuổi.

Khi bước vào lớp Một, Thư mắc bệnh teo thần kinh thị giác bẩm sinh. Thương con, gia đình vay mượn khắp nơi để chữa trị nhưng căn bệnh đã cướp đi "ánh sáng" của cô gái nhỏ. Sau 4 năm, một bên mắt của Thư đã mất khả năng nhìn hoàn toàn, mắt còn lại nhìn rất yếu.

“Ở bệnh viện, được mẹ tặng bộ cờ vua chơi cho khuây khỏa, đây cũng chính là bước ngoặt đã làm thay đổi cuộc sống của mình. Mình nhận ra mình có đam mê đặc biệt với những quân cờ và quyết tâm trở thành một kỳ thủ cờ vua chuyên nghiệp", Minh Thư chia sẻ.

Ngoài thời gian điều trị, Thư chăm chỉ luyện tập cờ vua với hy vọng có thể phát triển đam mê của bản thân.

Việc học bị gián đoạn 4 năm, quay về với đôi mắt khiếm thị, năm 2010 Minh Thư một mình vào TP HCM tiếp tục con đường học tập ở trường khuyết tật Nguyễn Đình Chiểu.

Với đôi mắt khiếm khuyết, Thư luôn cố gắng để không bị thua thiệt so với bạn bè.

Nhận thấy khả năng chơi cờ vua vượt trội của cô học trò nhỏ, nhà trường gửi Minh Thư vào đội tuyển cờ vua quốc gia, thi đấu ở các đấu trường cờ vua trong và ngoài nước. Không phụ niềm tin của mọi người và bản thân, ngay năm đầu tiên, cô đã mang về hai huy chương bạc ở giải Paragames 2014 tại Myanmar.

Năm tiếp theo, Thư giành ba huy chương vàng Paragames 2015 tại Singapore. Mới đây nhất, cô đạt 2 huy chương vàng Paragames 2017 ở Malaysia. Minh Thư trở thành kỳ tích của thể thao Đông Nam Á.

Với những thành tích đáng nể này, tháng 7/2017, bạn Minh Thư đã được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương lao động hạng 3 khi mới 22 tuổi.

Không chỉ quyết tâm theo đuổi đam mê, nữ sinh còn nỗ lực không ngừng để thực hiện giấc mơ vào giảng đường đại học. Suốt 3 năm học THPT, dù lịch tập luyện cờ vua dày đặc nhưng bạn vẫn không bỏ buổi học văn hóa nào. Một ngày của Thư bắt đầu bằng việc học ở trường, tập huấn cờ vua với đội tuyển. Đều đặn 6 buổi trong tuần, Thư còn đi luyện thi đại học từ chiều đến tối mịt.

"Nhiều lần mình muốn bỏ cuộc, nhưng mỗi sáng thức dậy, nhìn thấy ánh sáng le lói qua đôi mắt khiếm khuyết của mình em lại quyết tâm nhiều hơn. Mình phải cố gắng gấp 10 lần so với người bình thường để bắt kịp được mọi người”, Thư chia sẻ.

 Với nỗ lực của mình, Thư giữ vững danh hiệu học sinh giỏi suốt 12 năm liên tiếp và đậu vào khoa Giáo dục tiểu học của Đại học Sư phạm TP HCM năm 2017.

Minh Thư (ở giữa) đang tiếp tục con đường học tập của mình với sự hỗ trợ và đồng hành của Học bổng SCG Chung một ước mơ.

Để có thành công như ngày hôm nay, ngoài sự cố gắng của bản thân, Minh Thư cho biết cô đã may mắn nhận hỗ trợ của nhiều người và các tổ chức xã hội những khó khăn nhất. Ở bậc tiểu học, khi bao nhiêu chi phí đã dồn hết vào việc chữa bệnh, Thư được cô giáo của mình xin hỗ trợ xã hội của tỉnh để có thể trang trải học phí ở TP HCM.

Hay hình ảnh người thầy ân cần và đầy nghiêm khắc ở đội tuyển cờ vua đã luôn đồng hành cùng Thư du đấu khắp nơi. Thầy là người đã cõng cô về về nơi nghỉ sau một ngày thi đấu kiệt sức và cũng là người động viên Thư trong suốt hành trình thi đấu.

 

Theo VnExpress

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Từ nữ sinh khiếm thị tới cô gái "vàng" cờ vua tại chuyên mục Gương Mặt của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Gương Mặt khác

Cậu bé đa tài

“Cậu bé đa tài” hay “anh bạn nhỏ thông thái” là những lời nhận xét của thầy cô và bạn bè khi nhắc tới Nguyễn Khải - học sinh lớp 3A, trường Tiểu học Chu Văn An A (TP. Hà Nội).

"Cô Tổng" tài năng và yêu mến học trò

Hơn 16 năm công tác tại ngôi trường vùng xa của thị xã Điện Bàn, cô giáo Phan Thị Ngọc Phương (trường THCS Lê Văn Tám, thị xã Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam) luôn nhiệt huyết, năng động, sáng tạo trong công việc và hết lòng thương yêu học trò.

Mô hình lớp học đường phố của thầy giáo Ấn Độ

Xuất thân từ gia đình có hoàn cảnh khó khăn, thầy giáo Deep Nayak, 37 tuổi, mong muốn mọi đứa trẻ đều được học hành đầy đủ. Để hiện thực hóa giấc mơ, anh dạy miễn phí cho trẻ em nghèo ngoài đường phố bang Tây Bengal, Ấn Độ.

Môi trường để bạn trẻ rèn luyện, cống hiến, trưởng thành

Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu (GMTVNTB) Đặng Cát Tiên và Gương mặt trẻ Việt Nam triển vọng năm 2023 Lê Văn Phúc đã có những chia sẻ đầy cảm xúc về hành trình phấn đấu vươn lên, cống hiến, đặc biệt là sự đồng hành của tổ chức Đoàn, Hội, Đội giúp các bạn trở thành những tấm gương truyền cảm hứng như ngày hôm nay.

Ước mơ trở thành nhà Toán học

Ghé thăm lớp 5A7, trường Tiểu học Thanh Xuân Nam (quận Thanh Xuân, Hà Nội), nếu bạn ngỏ ý muốn gặp “cây Toán” của lớp, hẳn là các bạn trong lớp sẽ vui vẻ giới thiệu ngay cậu bạn Nguyễn Hoàng Việt – người sở hữu một loạt thành tích ấn tượng cấp Quốc gia, Quốc tế với bộ môn thú vị này