“Bạn Thùy” - cô giáo trẻ Nguyễn Phương Thùy, giảng viên Đại học Y tế công cộng Hà Nội - có chuyến du lịch thăm Kenya và Tanzania (châu Phi) đã viết bài kể những thú vị lượm lặt được cho Báo TNTP.
Ngày thứ hai trong chuyến hành trình… Đây là “chân dung” xe safari của nhóm mình. Xe được chế tạo như này để chuyên phục vụ khách ngắm thú dữ cho an toàn. Xe có tối đa 8 chỗ. Nhóm mình 5 người đi xe này rất ổn.
Vì đi rất xa nên không quay về khách sạn ăn trưa, do vậy mỗi người được phát một hộp đồ ăn có thịt, rau, bánh mì, nước, hoa quả, bánh ngọt nhưng… đánh đố, không có thìa dĩa gì hết! Đây là “quả thìa” tự chế của “bạn Thùy” từ giấy thiếc để xúc rau. Trong quá trình đi safari thì không được ra khỏi xe (ai cũng hiểu là để tránh nguy hiểm), riêng chỗ dừng ăn trưa này thì được xuống xe ra ngoài ăn nhưng vì lái xe dọa ra ngoài có thể bị khỉ cướp đồ ăn nên Thùy cứ “chắc cú” ngồi trong xe ăn xong mới dám ra ngoài. He he!
Trên đường đi xem thú, nhóm của Thùy được tới tận biên giới Kenya với Tanzania. Đây là cột mốc lãnh thổ quốc gia đơn sơ nhất mà Thùy từng thấy. Phía bên chữ T là Tanzania, phía chữ K là Kenya. Đơn giản như đan rổ. Lại còn có ai bẻ vỡ được cột mốc đó mới tài chứ!
Và… thú đây rồi! Chúng cũng khá đẹp và đa dạng, nhưng… hơi cụt hứng chút vì toàn từng nhóm đơn lẻ, chứ không phải là những bầy đàn đông đúc. Đây thuộc Maasai Mara, các cưng nhé?!
Đây toàn là những bức ảnh mà Thùy tự chụp được đấy. Sướng rơn! Mọi khi toàn xem trên mạng thôi.
Woa, có ai nhìn ra hai con báo gấm trên cây không? Loài báo thích nằm vắt vẻo trên cây mà lại là cây lắm lá và chúng hay “xí hổ” không chạy nhảy lăng xăng nên dù phục kích hơn nửa tiếng đồng hồ, nhòm mờ cả mắt và zoom hết cỡ máy ảnh với ống nhòm cũng chỉ nhìn được có vậy. Thùy rất cố gắng mới chụp được cái đuôi của bạn ý! Trong công viên chỉ được phép đi trên những lối mòn có sẵn và quan sát thú từ xa. Kiểm lâm lượn vè vè để phạt những xe liều lĩnh chạy chệch khỏi đường quy định, chưa nói ai dám cả gan xuống xe lại gần mà chụp. (Bạn nào muốn được thấy rõ đôi báo gấm trên cây thì gửi yêu cầu tới e.mail toasoan@thieunien.vn, Thùy sẽ gửi free cho các bạn cùng ngắm).
Số báo sau, Thùy sẽ đưa những hình chim thú ở Vườn Nakuru. Ở đó có những đàn thú đông lúc nhúc và hồng hạc thì… Thì sao, thôi các bạn đọc sau đi. Trước khi chia tay, Thùy up hình cây này ở Nakuru lên cho các bạn coi đã…
Vườn quốc gia Nakuru tràn ngập cây acacia hay còn gọi là cây “sốt”. Sự thể bởi cây này chính là khởi nguồn của cái bệnh sốt vàng. Nghe đồn ngày xưa công nhân vào rừng chặt cây này xong thường bị sốt nhưng tất nhiên là chả biết nguyên nhân do đâu, thấy cứ chặt cây màu vàng là bị sốt nên gọi luôn cái bệnh đấy là sốt vàng! Vui thật!
(Nói thêm là cây này là ổ muỗi luôn, công nhân đi chặt cây bị muỗi đốt thì mắc bệnh chứ cái màu vàng của vỏ cây nó chả có tội tình gì hết bạn nhé!)
Lưu ý: Kenya là vùng lưu hành dịch sốt vàng nên trước khi đi cần phải tiêm phòng bệnh sốt vàng (ở 35 Trần Bình, Cầu Giấy, Hà Nội) gần 600k/mũi. Tiêm xong có giấy chứng nhận có giá trị trong 10 năm để phòng thân, nhưng không bắt buộc để được nhập cảnh. Nếu muốn kết hợp đi cả Tanzania thì cái này là bắt buộc nhé?
Bạn Thùy
(Đại học Y tế công cộng Hà Nội)
(Còn nữa)