Tuyển sinh vào lớp 6, nỗi lo không của riêng ai

Phan Thoa
Tuyển sinh vào lớp 6 theo phương án nào luôn là mối quan tâm của không chỉ thầy, trò mà còn là sự sốt ruột, lo lắng của phụ huynh. Có vẻ như câu chuyện này vẫn chưa có lời giải cuối cùng?!

Báo Thanh niên đưa tin, từ năm 2015, khi Bộ GD&ĐT có văn bản “cấm thi tuyển sinh vào lớp 6 dưới mọi hình thức”, ngoài Trường THPT chuyên Trần Đại Nghĩa (TP.HCM) vẫn tiến hành kiểm tra đánh giá năng lực để tuyển sinh lớp 6 thì hầu hết các địa phương khác đều tuân thủ lệnh cấm này một cách tuyệt đối.

Điển hình như Hà Nội, là địa bàn trước đây có khá nhiều trường đặc thù tổ chức thi tuyển vào lớp 6 như THPT chuyên Hà Nội - Amsterdam, THCS Cầu Giấy, Nguyễn Tất Thành, Marie Curie, Nguyễn Siêu, Lương Thế Vinh... nhưng từ khi có quy định cấm của Bộ, Sở GD&ĐT Hà Nội không cho phép bất cứ trường nào tổ chức thi tuyển, dù là đánh giá năng lực hay kiểm tra chỉ số IQ, EQ... Tất cả các trường đều chỉ tổ chức xét tuyển vào lớp 6 qua học bạ và cộng điểm các cuộc thi do Sở GD&ĐT và Bộ GD&ĐT tổ chức hoặc phối hợp tổ chức.

Tuy nhiên, việc xét tuyển vào lớp 6 như cách mà 3 năm học vừa qua các trường vẫn làm lại đang đứng trước nguy cơ “lâm vào ngõ cụt” khi Bộ GD&ĐT tuyên bố không tham gia và không công nhận kết quả của một số cuộc thi phổ biến đang được các trường dùng để cộng điểm xét tuyển vừa qua.

Từ đó đến nay dư luận vẫn chờ Bộ GD&ĐT có một văn bản chính thức về vấn đề này, kèm theo đó là một hướng dẫn về việc tuyển sinh lớp 6 của một số trường đặc thù khi kết quả các cuộc thi không còn giá trị xét tuyển.

Tại Hà Nội, nhiều phụ huynh có con lên lớp 6 và “nhắm” vào các trường như Hà Nội - Amsterdam, Nguyễn Tất Thành, Cầu Giấy... trong năm học tới như “ngồi trên đống lửa” khi có rất nhiều đồn đoán về việc thay đổi tuyển sinh.

Trong khi đó, đại diện Bộ GD&ĐT lại cho rằng Công văn số 1258/BGDĐT-GDTrH ngày 17/3/2015 Bộ đã hướng dẫn, nếu cơ sở giáo dục có số lượng học sinh (HS) đăng ký vào học lớp 6 nhiều hơn so với chỉ tiêu tuyển sinh, các sở GD&ĐT chỉ đạo các cơ sở giáo dục này căn cứ các quy định hiện hành để xây dựng phương án tuyển sinh phù hợp, trình cấp có thẩm quyền ở địa phương xem xét quyết định.

Như vậy, có thể thấy Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ cho các trường trong tuyển sinh đầu cấp THCS. Quy định này tạo điều kiện thuận lợi cho các trường đặc thù tuyển HS có chất lượng theo yêu cầu riêng của trường, mà việc tổ chức thi vào lớp 6 như trước đây không đáp ứng được.

Tuy nhiên khi trao đổi với Thanh Niên, thầy Phạm Văn Đại, Phó giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội, khẳng định cho đến thời điểm này lệnh cấm tổ chức thi vào lớp 6 của Bộ GD&ĐT vẫn còn nguyên giá trị. “Bộ chưa có chỉ đạo hoặc văn bản chỉ đạo nào thay thế, nên chúng tôi không có cơ sở nào để có thể chỉ đạo các trường như vậy cả”, ông Đại nói.

Như vậy, Bộ GD&ĐT khẳng định đã trao quyền tự chủ cho các địa phương xem xét, quyết định, nhưng địa phương thì muốn Bộ khẳng định rõ có còn “cấm thi tuyển vào lớp 6 dưới mọi hình thức” nữa hay không.

Trong khi các cấp có thẩm quyền còn dùng dằng từ tháng này qua tháng kia thì phụ huynh và các trường mong ngóng một quyết định chính thức từng ngày, vì dù là thi hay xét thì họ cũng phải có thời gian chuẩn bị để có kết quả tốt nhất.

Trước đó, chia sẻ với báo Công an Nhân dân xung quanh quy định cấm thi vào lớp 6, thầy Phạm Văn Đại,cho biết: Việc cấm tổ chức thi vào lớp 6 không phải do Sở GD&ĐT tự đặt ra mà là Sở phải thực hiện theo chỉ đạo của Bộ GD&ĐT. Khi Bộ có chỉ đạo không thi đầu cấp tiểu học, THCS (lớp 1, lớp 6), thì Sở không bao giờ tiến hành các kỳ thi đó.

“Cá nhân tôi cho rằng, đối với các phương án xét tuyển, phải có cơ sở để chọn, có thước để đo. Thước đo là học lực của học sinh, cộng với những cái gì vượt trội của học sinh so với những học sinh khác. Ngay từ đầu tháng 9/2016, chúng tôi đã có văn bản thông báo về các cuộc thi mà Sở và Bộ đứng ra tổ chức, để các trường căn cứ vào đó tính điểm cộng thêm cho học sinh trong trường hợp số lượng hồ sơ xét tuyển lớn hơn nhiều lần so với chỉ tiêu". 

"Do đó, những kỳ thi mà dư luận nói phụ huynh có thể “chạy” giải chỗ nọ chỗ kia thì chưa chắc đã được cộng điểm nếu chiếu đúng theo quy định... Bây giờ chúng tôi mới nghĩ được cái “thang đo” đó thôi và chúng tôi cũng nghĩ đó là cái thang có cơ sở khoa học nhất trong thời điểm này. Rất mong bậc phụ huynh có đóng góp ý kiến để chúng tôi tiếp thu”- thầy Đại nhấn mạnh.

Cũng theo thầy Đại, các trường phản ánh việc xét tuyển vào lớp 6 nảy sinh nhiều bất cập như học sinh phải tham gia nhiều cuộc thi để cộng điểm, gây áp lực cho học sinh. Tuy nhiên, lật ngược lại, nếu để cho các trường tổ chức thi như trước thì học sinh lại ôn luyện từ tiểu học, các trung tâm, như vậy sẽ tạo ra gánh nặng học thêm, dạy thêm cho xã hội và các gia đình. Đó cũng không phải là giải pháp tốt.

Duy Minh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Tuyển sinh vào lớp 6, nỗi lo không của riêng ai tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.