Vẹo cột sống học đường - căn bệnh nguy hiểm đáng báo động hiện nay

Việt Chinh (Tổng hợp)
Nhiều ca vẹo cột sống mức độ nặng ở lứa tuổi học đường đã được ghi nhận. Điều này gióng lên hồi chuông cảnh báo về căn bệnh nguy hiểm này và sự tự ý thức bảo vệ sức khỏe học đường.

Báo động tình trạng cong vẹo cột sống lứa tuổi học đường

Theo báo điện tử VTV News, mới đây, Khoa Chấn thương chỉnh hình - Cột sống, Bệnh viện đa khoa Quốc tế Nam Sài Gòn vừa tiếp nhận điều trị cho 3 bệnh nhân bị vẹo cột sống đều trong lứa tuổi học đường. Bạn T.N.K.G (sinh năm 2007) do thói quen ngồi học không đúng tư thế nên bị vẹo cột sống nặng hình chữ S với hai vùng cong 98 độ và 57 độ. Vì vậy dẫn đến lồng ngực bị lép do xương sườn xẹp, gây chèn ép tim, phổi bị xẹp, dung tích phổi giảm, thở khó khăn và suy hô hấp.

Các bác sĩ đã tiến hành nắn chỉnh cột sống với 24 ốc chân cung và hàn xương trong gần 5 giờ đồng hồ. Sau khi phẫu thuật, đường cong của cột sống được nắn chỉnh hơn 90% và chiều cao bệnh nhân tăng thêm 7cm.

Các cuộc phẫu thuật nắn chỉnh cột sống thường tiềm ẩn nguy cơ rủi ro cao. Bệnh nhân có thể bị liệt nếu quá trình phẫu thuật có động chạm vào rễ thần kinh, tủy sống. Vậy nên, căn bệnh nguy hiểm này cần được ngăn chặn ngay từ đầu thay vì để đến khi mắc phải và tình trạng nặng thì điều trị khó khăn và dễ để di chứng đáng tiếc.

Ngày càng nhiều trường hợp bị cong vẹo cột sống ở lứa tuổi học đường

Nhận biết cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống là một dạng biến dạng cột sống, tình trạng cột sống bị nghiêng, lệch về một phía hoặc cong về phía trước (ưỡn) hay sau (gù). Bệnh có thể do bẩm sinh nhưng chủ yếu là do sinh hoạt, học tập sai tư thế thường xuyên và từ nhỏ. 

Biểu hiện của cong vẹo cột sống là hai vai dốc không đều, bên cao bên thấp, xương bả vai nhô ra, khoảng cách từ hai mỏm xương bả vai đến gai đốt sống không bằng nhau; hai tam giác eo tạo ra giữa cánh tay và thân người không đều nhau, bên rộng bên hẹp; hai thăn lưng mất cân đối hoặc có ụ lồi do cột sống bị xoắn vặn, xương sườn lồi lên.

Nếu bị gù thì quan sát thấy lưng tròn, vai thấp, bụng nhô, đầu ngả ra phía trước. Nếu bị ưỡn, phần trên của thân hơi ngả về phía sau, bụng xệ xuống. Khi phát hiện bất kỳ các biểu hiện trên nên đến khám bác sĩ chuyên khoa vì các trường hợp vẹo cột sống nhẹ cũng có thể diễn tiến âm thầm thành cong vẹo cột sống nặng hoặc rất nặng.

Với các trường hợp cong vẹo cột sống mức độ nặng thường phải can thiệp phẫu thuật và kèm theo nguy cơ rủi ro

Tác hại của cong vẹo cột sống

Cong vẹo cột sống làm lệch trọng tâm của cơ thể, cản trở sinh hoạt cũng như tư thế học tập, gây căng thẳng thị giác và làm trí não mất tập trung.

Bên cạnh đó, vì ngoại hình có phần dị dạng ở những trường hợp nặng nên dễ khiến người mắc có tâm lý mặc cảm.

Cong vẹo cột sống cũng khiến bạn không thể tham gia các hoạt động thể thao như bình thường. Đặc biệt, bệnh còn ảnh hưởng đến hoạt động của các cơ quan khác như tim, phổi, khung chậu.

Ngồi học tập sai tư thế khiến cột sống cong vẹo và gặp các vấn đề về thị lực

Làm gì để phòng ngừa cong vẹo cột sống?

Để tránh những hậu quả đáng tiếc, ngay từ đầu bạn nên tự ý thức về việc bảo vệ cột sống và phòng ngừa bệnh cột sống bằng chế độ sinh hoạt và dinh dưỡng của mình.

Về chế độ dinh dưỡng, cần chú ý bổ sung đầy đủ các chất vitamin, chất khoáng, protein, canxi. Đặc biệt ở lứa tuổi học đường, đang cần đủ dinh dưỡng để phát triển chiều cao cũng như củng cố sức khỏe xương khớp.

Về tư thế học - một trong những nguyên nhân chính dẫn đến cong vẹo cột sống, bạn cần đảm bảo đúng tư thế: Khi ngồi, hai bàn chân được đặt ngay ngắn, vững chắc trên sàn, giữa cẳng chân và đùi tạo thành một góc là 900, có thể dao động trong khoảng 75-1050, thân thẳng, đầu và cổ hơi ngả về phía trước, hai tay để ngay ngắn trên mặt bàn. Nếu ngồi học sai tư thế không chỉ gây ra cong vẹo cột sống mà có thể dẫn đến những rối loạn cơ xương khác và nguy cơ mắc tật cận thị cao.

Luôn chú ý đến tư thế ngồi học để tránh cong vẹo cột sống

Kích thước bàn ghế cũng như độ sáng tại nơi học tập cũng cần phù hợp để đảm bảo sức khỏe của bạn.

Bạn cũng không nên mang cặp sách, balo quá nặng, trọng lượng cặp không vượt quá 15% trọng lượng cơ thể. Khi đeo balo, cặp sách nên đeo cả hai để cân bằng chứ không đeo lệch một bên.

Đảm bảo thời gian ngủ nghỉ, luyện tập thể dục thể thao đều đặn cũng là điều bạn cần chú ý. Cuối cùng, hãy đi khám bệnh định kỳ để sớm phát hiện nguy cơ cong vẹo cột sống để có cách điều chỉnh cũng như điều trị kịp thời.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Vẹo cột sống học đường - căn bệnh nguy hiểm đáng báo động hiện nay tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Top 5 loại củ tốt cho mắt

Cà rốt, khoai lang, củ cải chứa beta-carotene, lutein, vitamin C, A, kali có thể ngăn ngừa gốc tự do gây tổn thương và lão hóa tế bào mắt, cải thiện thị lực.

Bí kíp giúp bạn học hiệu quả

Đã đến thời điểm chúng mình phải tăng tốc tập trung học tất cả các môn để chuẩn bị cho mùa thi học kỳ 2 đạt hiệu quả cao nhất. Vậy, bạn đã có những “chiêu” để học “vào đầu ào ào” mà không hề bị áp lực? Hãy áp dụng vài bí Biết cách sắp xếp khoa học kíp dưới đây xem sao nhé!

Vì sao gọi gấc là "loại quả đến từ thiên đường"

Quả gấc là một trong những thực phẩm được sử dụng nhiều trong ẩm thực của người Việt bởi tính chất thơm, ngon. Mặt khác, đây cũng là loại "quả vàng" mà nước ta đang sở hữu với những tác dụng tuyệt vời cho sức khoẻ vì những hàm lượng cao chất dinh dưỡng và hoạt chất phòng bệnh.