Vì sao dù ở xa xôi chúng ta vẫn nhìn thấy các ngôi sao?

Minh Hồng
Những ngôi sao trên bầu trời luôn có sức hấp dẫn khó tả với chúng ta và chúng mang nhiều ý nghĩa cả về thiên văn học lẫn tâm linh.

Có người cho rằng mỗi ngôi sao tượng trưng cho một số mệnh, cũng có người bảo rằng, các ngôi sao là thiên thần nhỏ bé được giao nhiệm vụ thắp sáng màn đêm. Còn dựa trên góc độ khoa học, ngôi sao là các thiên thể có khả năng tự phát ra ánh sáng. Tất cả chúng đều là những khối cầu khí khổng lồ. Chúng có khối lượng lớn hơn Trái đất hàng chục đến hàng trăm nghìn lần.

Đây cũng chính là đặc điểm giúp chúng tự tạo ánh sáng cho bản thân. Một thiên thể để có thể tự phát ra ánh sáng cần có khối lượng tối thiểu là lớn gấp 70 lần khối lượng của sao Mộc - hành tinh lớn nhất Hệ Mặt trời, tức là khoảng 7% khối lượng của Mặt trời.

Vì sao dù ở xa xôi chúng ta vẫn nhìn thấy các ngôi sao? - Ảnh 1

Vậy vì sao chúng ta có thể thấy được các ngôi sao?

Trái đất của chúng ta có khối lượng khoảng 6x1024 Kg (6 triệu tỷ tỷ tấn). Mặt trời nặng hơn Trái đất 330.000 lần. Tức là một sao có khối lượng 7% khối lượng Mặt trời sẽ nặng hơn Trái đất khoảng 23 nghìn lần. Mỗi vật thể đều có lực hấp dẫn hướng tâm vào lòng nó.

Ngày thường không ai để ý nhưng bản thân chúng ta, cũng luôn chịu hấp dẫn của chính mình. Vì mỗi phần trong cơ thể đều hấp dẫn lẫn nhau và tổng tất cả chúng tạo thành một lực hấp dẫn hướng vào một khối tâm trong cơ thể chúng ta (trọng tâm của vật thể).

Cái bàn, cái ghế, Trái đất, đều luôn tự hấp dẫn chính nó bằng một lực gọi là lực hấp dẫn hướng tâm. Nhưng tại sao tất cả không cháy sáng?

Đó là vì khối lượng của những vật thể chúng ta tiếp xúc hàng ngày không đủ khả năng để xảy ra điều đó. Bởi lực hấp dẫn là một lực tỷ lệ với khối lượng, hấp dẫn ở các vật thể thường ngày nhỏ tới mức chúng không gây ra bất cứ hiệu ứng đáng kể nào.

Với các vật thể rất lớn như các hành tinh, Trái đất, lực hấp dẫn cũng tỏ ra không đáng kể bởi nó tạo ra một sức hút rõ ràng kéo mọi vật về phía nó. Chẳng hạn khi nhảy lên cao bạn sẽ rơi rất nhanh xuống là vì lực kéo từ Trái đất.

Vì sao dù ở xa xôi chúng ta vẫn nhìn thấy các ngôi sao? - Ảnh 2

Còn các thiên thể có khối lượng lớn như trên đã nói (nặng hơn Trái đất hàng chục nghìn lần) thì hấp dẫn lớn làm cho áp suất ở tâm thiên thể tăng lên rất cao, áp suất này cung cấp gia tốc rất lớn cho các nguyên tử khí (chủ yếu là hydro).

Chúng va đập mạnh với nhau ở vận tốc cao, phá vỡ lớp vỏ điện tử, tách các electron khỏi hạt nhân nguyên tử. Ở lõi của ngôi sao không còn là chất khí thông thường mà là một trạng thái gồm các hạt nhân và electron chuyển động hỗn độn. Trạng thái này gọi là plasma.

Ở trạng thái plasma, các hạt nhân hydro có cơ hội va chạm trực tiếp với nhau ở vận tốc lớn, chúng gây ra hiện tượng mà chúng ta gọi là phản ứng nhiệt hạch, kết hợp các hạt nhân hydro thành hydro nặng và cuối cùng là hạt nhân heli.

Phản ứng này được biết tới trên Trái đất ở bom khinh khí - loại bom có khả năng giải phóng ra năng lượng gấp hàng nghìn lần bom nguyên tử có cùng khối lượng.

Phản ứng nhiệt hạch ở lõi ngôi sao giải phóng ra năng lượng lớn dưới dạng nhiều bức xạ, mà một phần trong đó là bức xạ ánh sáng nhìn thấy. Bức xạ này được chuyển dịch lên bề mặt ngôi sao và khiến cho ngôi sao phát sáng.

Các ngôi sao có thành phần chính là hydro (trên 70%), còn lại một phần lớn là heli, một phần nhỏ không đáng kể là các khí nặng hơn. Nhiệt độ bề mặt của một ngôi sao thường trong khoảng 3.000 đến 50.000K còn nhiệt độ ở tâm là khoảng vài triệu cho đến vài chục triệu K. Nó có thể lên tới 100 triệu K đối với các sao khổng lồ đỏ và vài tỷ K với các sao siêu khổng lồ đỏ.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Vì sao dù ở xa xôi chúng ta vẫn nhìn thấy các ngôi sao? tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Trái Đất nặng tới mức nào?

Giới chuyên gia mất hàng trăm năm để ước tính khối lượng Trái Đất và cho tới nay vẫn chưa thống nhất về con số chính xác.