Vốn tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số còn rất hạn chế

Phan Thoa
Vốn tiếng Việt của các bạn còn rất ít do cuộc sống sinh hoạt tập trung ở bản, hàng ngày các bạn giao tiếp với bố mẹ, cộng đồng bằng tiếng mẹ đẻ, môi trường giao tiếp tiếng Việt hạn hẹp.

Theo báo Giáo dục và Thời đại, ở Lai Châu là tỉnh miền núi khó khăn, có 87,1% học sinh là người dân tộc thiểu số (DTTS). Việc dạy và học ở đây rất khó khăn do nhiều nguyên nhân trong đó tiếng Việt cũng là một trong những rào cản.

Một số trường ở các xã đặc biệt khó khăn diện tích trường lớp chật hẹp, dốc không có diện tích để xây dựng các mô hình, sân chơi để tăng cường tiếng Việt và xây dựng môi trường tiếng Việt cho học sinh.

Đội ngũ giáo viên, một số còn hạn chế về năng lực chuyên môn, phương pháp dạy lồng ghép tăng cường tiếng Việt trong các môn học cho học sinh DTTS hiệu quả còn hạn chế. Hình thức tổ chức dạy học còn đơn điệu.

Một số ít giáo viên là người dân tộc vẫn còn mắc lỗi khi phát âm đọc và khi viết. Nhiều giáo viên chưa thực sự thông hiểu phong tục tập quán, ngôn ngữ địa phương nơi công tác.

Với các bạn học sinh, hầu hết đã học qua lớp mẫu giáo, được thực hiện chương trình làm quen tiếng Việt nhưng nhìn chung kỹ năng nghe, nói của các bạn còn hết sức hạn chế, do không thường xuyên giao tiếp tiếng Việt ở nhà và môi trường xã hội xung quanh.

Ảnh minh họa.

Hơn nữa học sinh cũng ít giao tiếp với nhau bằng tiếng Việt ở môi trường ngoài nhà trường, các bạn chỉ nói tiếng Việt khi học bài dẫn đến khả năng tiếp thu bài giảng bằng tiếng Việt chưa cao.

Báo Đại đoàn kết cho biết, hơn 18 tháng qua, dự án được triển khai tại 3 xã Tả Lèng, Nùng Nàng, Khun Há (huyện Tam Đường, Lai Châu), đã thí điểm áp dụng phương pháp giảng dạy lấy học sinh làm trung tâm và giáo dục dựa trên tiếng mẹ đẻ, nhằm thúc đẩy sự tham gia tích cực của phụ huynh và học sinh vào hoạt động giáo dục, thông qua một loạt các hoạt động như hưởng ứng tuần lễ giáo dục toàn cầu, giờ sinh hoạt ngoại khóa tại trường, các cuộc sinh hoạt chi bộ phụ huynh mở rộng hàng tháng…

Áp dụng phương pháp giáo dục sử dụng hai ngôn ngữ là tiếng mẹ đẻ và tiếng Việt trong việc dạy và học tại trường, dự án đã xây dựng thí điểm bộ tài liệu giáo dục bổ trợ song ngữ bằng tiếng Việt và tiếng Mông.

Tập tài liệu này gồm 55 câu chuyện ngắn đã được giáo viên đại phương của các trường mầm non và trường tiểu học ở huyện Tam Đường sáng tác và biên soạn.

Đưa ra đánh giá về việc nâng cao chất lượng giáo dục cho trẻ em DTTS thông qua phát triển ngôn ngữ, TS Hà Đức Đà- Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam nhận định: Đây là việc làm quan trọng. Cần có thời gian, và cần có sự góp sức của nhiều cá nhân, tổ chức.

“Các DTTS chủ yếu sống vùng trung du miền núi. Trong sinh hoạt hầu hết đồng bào dùng tiếng DTTS, thế nhưng khi đến trường ngôn ngữ sử dụng là tiếng Việt. Về mặt ngôn ngữ, hiện tượng này gọi là “nhúng chìm”. Sự khác biệt về ngôn ngữ là “rào cản” lớn nhất đối với học sinh DTTS khi đến trường học tập. Do đó, cần có những nghiên cứu, hành động để xóa đi dần rào cản này”.

Theo nghiên cứu của TS Đức Đà, đã có 8 chương trình, 6 bộ sách giáo khoa tiếng dân tộc dạy học trong trường phổ thông được Bộ GD&ĐT ban hành; một số nghiên cứu về tăng cường tiếng Việt cho học sinh DTTS được triển khai thực hiện và thí điểm ở vùng DTTS như: Phương pháp dạy tiếng Việt như ngôn ngữ thứ hai, Tiếng Việt của em, Giao lưu tiếng Việt…

Tuy nhiên, để giúp học sinh DTTS có thể học tốt được, có chất lượng tiến kịp miền xuôi còn là thách thức.

Minh Anh (tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Vốn tiếng Việt của học sinh dân tộc thiểu số còn rất hạn chế tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.