Xây dựng trường học hạnh phúc - Một nhiệm vụ của giáo dục

theo LĐ
Năm học 2022-2023 được xác định là năm trọng tâm của đổi mới. Trong sự đổi mới đó thì việc xây dựng những “Ngôi trường hạnh phúc” được cho là nhiệm vụ lớn của ngành giáo dục.

Hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng

Trong bức thư đăng trên Báo Nhân Dân, số 600, ngày 24/10/1955, Chủ tịch Hồ Chí Minh nhấn mạnh: “Giáo dục các em là việc chung của gia đình, trường học và xã hội. Bố mẹ, thầy giáo và người lớn phải cùng nhau phụ trách; trước hết là phải làm gương mẫu cho các em trước mọi việc”.

Xây dựng trường học hạnh phúc - Một nhiệm vụ của giáo dục - Ảnh 1Mục tiêu là tất cả các trường học đều bao gồm ba khía cạnh cơ bản của Trường học Hạnh phúc

Nghị quyết số 29-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung Đảng về đổi mới căn bản toàn diện giáo dục và đào tạo cũng nhấn mạnh quan điểm: “Phát triển giáo dục và đào tạo là nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện năng lực và phẩm chất người học”.

Trường học hạnh phúc hướng tới việc hình thành các giá trị cốt lõi là yêu thương, an toàn và tôn trọng. Trong đó, mỗi thành viên từ cán bộ quản lý, giáo viên, học sinh được nói lên suy nghĩ, có điều kiện đổi mới sáng tạo, phát huy hết các năng lực cá nhân. Ở môi trường này, từng thành viên đều cảm thấy mỗi ngày đến trường là một ngày vui, trường học như gia đình. Để làm được điều này, bản thân mỗi nhà trường, giáo viên và lãnh đạo quản lý đều phải thay đổi để tạo môi trường giáo dục khiến học sinh hạnh phúc.

Là một người tham gia dự án triển khai Trường học hạnh phúc tại Việt Nam nhiều năm nay, Giáo sư Hà Vĩnh Thọ - một chuyên gia trong lĩnh vực Giáo dục đặc biệt và trị liệu Xã hội- cho rằng: “Các kỳ thi, điểm số và bài kiểm tra là một phần tự nhiên của hệ thống giáo dục, nhưng chúng không phải là mục tiêu cuối cùng của nó. Chúng chỉ đơn giản là phương tiện kết thúc. Mục đích của giáo dục là giúp trẻ em và thanh thiếu niên phát huy hết tiềm năng, trí tuệ, tình cảm, thực tiễn (giáo dục cái đầu, trái tim, bàn tay); trang bị các kỹ năng, năng lực và các giá trị đạo đức vững chắc nhằm định hướng cho các em trong cuộc sống. Kiến thức học thuật là quan trọng, nhưng trong thời đại của AI, điều đó là chưa đủ; họ cần các kỹ năng xã hội, kỹ năng cảm xúc, sáng tạo và khả năng làm việc nhóm. Không cái nào trong số này có thể dễ dàng được kiểm tra trong các kỳ thi truyền thống chủ yếu đánh giá trí nhớ, thông tin và tư duy logic. Giáo viên và học sinh không nên tập trung quá nhiều vào việc vượt qua các 
kỳ thi mà hãy dạy, học các kỹ năng và năng lực mà thế hệ sau sẽ cần để trở thành những người tốt, những công dân gắn bó và những chuyên gia sáng tạo”.

Giáo sư Hà Vĩnh Thọ cũng nhấn mạnh về vai trò của giáo viên: “Để hình thành trường học hạnh phúc, các giáo viên phải trang bị sự hiểu biết, kiến thức và kỹ năng giúp họ chú ý và chăm sóc sự hạnh phúc và sức khỏe của tất cả học sinh. Nó mở rộng phạm vi nhận thức của giáo viên, để nó bao gồm cả sức khỏe tinh thần và tình cảm của trẻ em. Chỉ khi học sinh cảm thấy an toàn về cảm xúc, được xã hội chấp nhận và hòa nhập, chúng mới có thể phát huy tiềm năng của mình, học hỏi và phát triển toàn diện. Mục tiêu là tất cả các trường học đều bao gồm ba khía cạnh cơ bản của Trường học Hạnh phúc: - sống hòa hợp với bản thân, người khác và thiên nhiên – trong tất cả các môn học và hoạt động”.

Thay đổi để hạnh phúc

Hồi cuối tháng 9.2022, Hội thảo “Thay đổi Vì một trường học hạnh phúc” với Chủ đề “Chọn Yêu thương - Chọn Hạnh phúc” được tổ chức tại Đà Nẵng thu hút 400 hiệu trưởng đến từ 50 tỉnh thành trên toàn quốc.

Tại đây, nhiều ý kiến tâm huyết từ các thầy cô đã được ghi nhận. “Bấy lâu nay tôi luôn ấp ủ mong muốn xây dựng ngôi trường nơi mình đang công tác một ngôi trường hạnh phúc đúng nghĩa cho các em học sinh. Tôi đã cố gắng thay đổi từng chi tiết nhỏ nhất từ bản thân mình và lan tỏa cho đội ngũ các thầy cô giáo”- Cô Trần Thị Dung Huế - Trường Tiểu học Thạch Đài, Hà Tĩnh chia sẻ.

Nói về trường học hạnh phúc, nhiều ý kiến cho rằng không thể đợi đến khi các em trưởng thành mà phải từ cấp mẫu giáo. Cô giáo Trần Phạm Lê Mai nói: “Trường tôi là 1 trường mầm non. Ngôi trường hạnh phúc của chúng tôi có những em bé hạnh phúc, những cô giáo, cô bếp, cô tạp vụ, cô văn thư, bác bảo vệ hạnh phúc, Ban giám hiệu hạnh phúc. Từng ngõ ngách, từng nét vẽ trên tường, từng món đồ chơi đều cho người ta cảm giác ấm áp trong lòng. Chúng tôi ở đây trước là để kiếm tiền mưu sinh, nhưng muốn kiếm tiền có nhiều nghề dễ hơn và nhanh hơn.

Chúng tôi ở đây, muốn sống được bằng tình yêu thương, bằng năng lượng ấm áp trao và được trao, bằng sự dựa cậy che chở cho nhau qua những thử thách chung và riêng. Ngôi trường của chúng tôi, mỗi cá thể được sắp xếp để làm đúng chỗ mình yêu và cần mình, được khơi mở để yêu thương bản thân mình, hạnh phúc với chính mình và lan tràn hạnh phúc đó sang cho những người xung quanh”.

Xây dựng trường học hạnh phúc - Một nhiệm vụ của giáo dục - Ảnh 2

Hạnh phúc không phải là câu chuyện điểm số. “Xây dựng ngôi trường mà ở đó là nơi không có bạo lực học đường, không có hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo, không có những hành xử xúc phạm danh dự, nhân phẩm, thân thể nhà giáo và học sinh. Là nơi mà thầy cô và học sinh vui sống trong sẻ chia, cảm thông và yêu thương nhau. Đồng thời, nơi đó cũng là mái nhà chung mà mỗi ngày giáo viên và học sinh đến trường là một niềm hạnh phúc. Với các thầy giáo cô giáo không chỉ dạy cho các em về kiến thức văn hóa, mà còn dạy cho các em về đạo đức làm người, có lối sống lành mạnh, tích cực, biết quan tâm chia sẻ và giúp đỡ mọi người….”- thầy Ngô Phi Công, Hiệu trưởng Trường THPT Bắc Trà Mi (Quảng Nam) chia sẻ.

Còn cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng trường Liên cấp TH và THCS Trần Quốc Toản, Bắc Ninh trăn trở: “Là một hiệu trưởng tôi luôn trăn trở và suy nghĩ rằng hiệu trưởng cần thay đổi như thế nào và phải làm những gì để giáo viên của mình yêu thích, tâm huyết, say sưa với nghề, yêu thương và tôn trọng học trò như con của mình; làm thế nào để học trò của mình cứ muốn đến trường học, nhìn thấy thầy cô, bạn bè là thấy niềm vui và hạnh phúc”.

Đã có rất nhiều hiệu trưởng, giáo viên tại Việt Nam đang tìm kiếm những cách thức và giải pháp để giảm bớt áp lực trong nhà trường, hỗ trợ giải quyết vấn đề bạo lực học đường, hướng tới xây dựng môi trường học tập an toàn, yêu thương, tôn trọng, được hiểu và được ghi nhận vì mục tiêu phát triển con người sáng tạo và có nhân cách tốt. 

Đó không chỉ là nhiệm vụ của các trường, mà phải là nhiệm vụ trọng tâm của cả ngành giáo dục.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Xây dựng trường học hạnh phúc - Một nhiệm vụ của giáo dục tại chuyên mục Trường Lớp của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Trường Lớp khác

Khu trải nghiệm ấn tượng ở Nam Hà

Trường Tiểu học Nam Hà (TP. Hà Tĩnh, tỉnh Hà Tĩnh) được nhắc đến như một Ngôi trường hạnh phúc với cơ sở vật chất khang trang, hiện đại cùng bề dày về thành tích dạy và học, cũng như sự tận tụy của các thầy cô dành cho học sinh thân yêu. Ngoài ra, nhà trường còn đầu tư xây dựng thêm một quần thể trải nghiệm đầy hấp dẫn để các bạn được học, được tìm hiểu và vui chơi thỏa thích sau những giờ học tập căng thẳng…

Buổi họp phụ huynh đặc biệt

Buổi họp phụ huynh cuối học kỳ I vừa qua ở trường Tiểu học Ngô Mây, quận Sơn Trà, TP. Đà Nẵng, các lớp đã tổ chức chương trình bán đấu giá tranh vẽ để gây quỹ mua thẻ báo hiểm y tế tặng các bạn học sinh nghèo.

Hỗ trợ học sinh định hướng tương lai

Mới đây, Trung tâm Hoạt động Thanh thiếu nhi tỉnh Thừa Thiên - Huế đã phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức Chương trình định hướng nghề nghiệp cho 530 học sinh khối 8, 9 của trường THCS Phú Mỹ và THCS Phú An (huyện Phú Vang).