Quy định về công nhận trường đạt chuẩn quốc gia của Bộ GD&ĐT xây dựng riêng một tiêu chuẩn về cơ sở vật chất và thiết bị dạy học, trong đó có tiêu chí về “khuôn viên, khu sân chơi, bãi tập” với yêu cầu: Khuôn viên đảm bảo xanh, sạch, đẹp, an toàn để tổ chức các hoạt động giáo dục; có cổng trường, biển tên trường và tường hoặc rào bao quanh. Khu sân chơi, bãi tập có đủ thiết bị tối thiểu, đảm bảo an toàn để luyện tập thể dục, thể thao và hoạt động giáo dục của nhà trường…
Nhà trường, lớp học xanh, sạch, đẹp, an toàn giúp thầy cô, học sinh có môi trường thuận lợi để dạy và học; học sinh thích đi học, có hứng thú học tập, từ đó góp phần gia tăng chất lượng giáo dục. Với vị trí như một trung tâm văn hóa, giáo dục ở địa phương, việc gương mẫu trong giữ gìn cảnh quan môi trường tự nhiên và cả môi trường xã hội, luôn chỉnh trang trường lớp gọn gàng, sạch đẹp cũng là trách nhiệm của trường học.
Mái trường đi vào bài thơ, câu hát và in dấu trong ký ức học trò luôn có hình ảnh những hàng cây xanh, bồn hoa tươi thắm. Cảnh quan đẹp còn có ý nghĩa thiết thực nhằm giáo dục học sinh ý thức bảo vệ môi trường, hình thành nếp sống văn minh, từ đó lan tỏa ý thức đẹp ấy đến môi trường gia đình, xã hội.
Vì tầm quan trọng này, các phong trào được phát động trong trường học để xây dựng môi trường học đường. Trong đó, tiêu biểu nhất là phong trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ GD&ĐT phát động cách đây 15 năm. Nhiều địa phương xây dựng các mô hình giáo dục sáng tạo, phong trào xây dựng văn hóa học đường phù hợp với thực tiễn, được học sinh hào hứng tham gia như: “Ngày thứ Sáu xanh - sạch - đẹp”, xây dựng “Vườn hoa thanh niên”, mô hình “Trường học - công viên”....
Đặc biệt, phong trào “Xây dựng trường học xanh - sạch - đẹp - an toàn” được nhiều địa phương, trường học trên cả nước triển khai tích cực. Theo đó, việc trồng và chăm sóc cây bóng mát, cây cảnh, xử lý rác, đầu tư hệ thống nước sạch, xây dựng nhà vệ sinh, trang trí trường lớp học sạch đẹp, an toàn trường học… được quan tâm. Dù ở vùng thuận lợi, hay khó khăn, mỗi trường có cách làm phù hợp để triển khai hoạt động này.
Đơn cử, trường trong nội thành, chật hẹp, thầy cô, học sinh, phụ huynh tận dụng từng khoảng không gian ban công, gốc cây… để phủ xanh trường lớp. Trường có đất rộng thì trồng hoa, rau, từ đó học sinh có thêm không gian trải nghiệm. Cách làm chung được nhiều trường triển khai là giao trách nhiệm cho tập thể lớp trong giữ gìn, chăm sóc cây xanh, tạo phong trào thi đua giữa các lớp; từ đó, giáo dục học sinh có ý thức, hành động tự giác giữ gìn môi trường xanh, sạch, đẹp, an toàn.
Có thể nói, nhiều năm trở lại đây, cảnh quan, môi trường giáo dục được cải thiện rõ rệt, tạo sự chuyển biến trong xây dựng văn hóa học đường.