Xử lý thế nào khi bị ong tấn công?

Ngọc Nguyễn
Ong mật có thể đuổi theo con mồi với tốc độ xấp xỉ 32 km/giờ, vì vậy nếu đủ sức bạn hãy chạy nhanh hơn đàn ong, khi bị đốt cần rút nọc độc dính trên da càng sớm càng tốt.

Có nên chạy trốn ong?

Trong trường hợp cần thiết, phải thoát khỏi sự tấn công của ong. Chạy thẳng đến nơi an toàn là lựa chọn khôn ngoan. Theo giáo sư James Nieh từ Đại học California, San Diego, người nghiên cứu về hành vi của ong, chạy thẳng là cách tốt nhất để thoát khỏi sự đuổi bắt của ong.

Ong mật khi bay đơn lẻ có thể đuổi theo con mồi với tốc độ lên đến 20 dặm/giờ, tức xấp xỉ 32 km/giờ. Khi chúng bay theo đàn, tốc độ sẽ giảm đáng kể. Vì vậy, nếu có đủ động lực và sức mạnh, bạn hoàn toàn có thể chạy nhanh hơn tốc độ bay của đàn ong.

Ong mật.
Ong mật.
Có nên đuổi ong đi?

Cố gắng đuổi chúng đi không phải là giải pháp khôn ngoan. Thay vào đó, che chắn khuôn mặt, đặc biệt mũi, miệng và mắt, là cách tốt nhất để bảo vệ bản thân. Điều này không chỉ giúp tránh những cử động bất ngờ có thể khiến ong cảm thấy bị đe dọa mà còn giảm lượng khí carbon dioxide thải ra, một trong những yếu tố thu hút ong.

Theo Thompson, một chuyên gia nuôi ong, nên hạn chế la hét, trừ khi cần thiết phải cảnh báo cho người xung quanh. Ong thường bị thu hút bởi những điểm tối trên cơ thể, như mũi và mắt, vì đây là nơi dễ bị tổn thương nhất. Điều này giải thích vì sao bạn mặc trang phục màu đen có thể làm tăng khả năng bị ong chú ý. Tuy nhiên, khi đã bị kích động, ong có thể tấn công bất kể màu sắc nào.

Ong có ngừng đuổi không?

Trong tình huống không may bị ong rượt đuổi, hãy tìm một nơi trú ẩn an toàn và kín đáo. Ưu tiên vào những không gian như tòa nhà hay xe hơi với cửa sổ đóng chặt để cách ly đàn ong. Hành động này cần được thực hiện ngay lập tức, trước khi nghĩ đến việc chạy trốn.

Tránh ẩn náu trong những khu vực có khe hở mà ong có thể len lỏi vào, như nhà kho hay hang động. Đây có thể là một giải pháp tạm thời để tránh bị ong đốt, nhưng chỉ khi không còn lựa chọn nào khác, vì những nơi này không đảm bảo an toàn hoàn toàn.

Có nên nhảy xuống nước nếu bị ong tấn công?

Nhảy xuống nước khi bị ong rượt không phải là lựa chọn an toàn. Hành động này có thể làm tăng nguy cơ bị ong đốt khi bạn cần ngoi lên để thở và còn có thể dẫn đến đuối nước. Ong có thể kiên nhẫn chờ đợi bên ngoài nước và phát hiện người qua bọt khí carbon dioxide.

Trong tình trạng hoảng sợ, khả năng phán đoán và hô hấp của con người có thể bị ảnh hưởng, phải ngoi lên thở thường xuyên hơn, từ đó tăng khả năng tiếp xúc với ong. Điều này không chỉ nguy hiểm mà còn có thể tạo ra khả năng đáng sợ, như ong theo vào đường hô hấp và gây tổn thương từ bên trong cơ thể. Y văn đã ghi nhận một số trường hợp như vậy và nạn nhân đã tử vong. Vì vậy, tìm nơi trú ẩn khô ráo và an toàn là giải pháp tốt hơn nhiều.

Có nên gỡ nọc ong ra khi bị đốt?

Ong đốt người sẽ để lại nọc độc dính trên da. Cần loại bỏ nó càng nhanh càng tốt. Nọc ong liền với túi độc của ong. Khi bị đốt, pheromone cảnh báo được phát ra, thu hút thêm ong từ tổ bay đến. Vì vậy, nếu nhìn thấy nọc dính trên da, hãy dùng móng tay cạo nhẹ để loại bỏ chúng mà không làm vỡ túi độc.

Tuy nhiên, không nên dừng lại để tìm kiếm nọc ong trên da trong lúc bạn chạy trốn. Hãy tiếp tục di chuyển đến nơi an toàn, sau đó mới tiến hành gỡ bỏ nọc.

Nieh và Thompson cho biết gỡ nọc không chỉ giảm mùi hấp dẫn ong mà còn giảm bớt phản ứng của cơ thể đối với nọc độc, giảm nguy cơ phản ứng nghiêm trọng từ vết đốt. Gỡ nọc một cách nhẹ nhàng để tránh làm vỡ túi độc và giải phóng thêm chất độc vào da.

Trẻ em dễ bị tổn thương so với người lớn?

Theo Bộ Nông nghiệp Mỹ, hầu hết mọi người có thể chịu đựng được 10 vết ong đốt cho mỗi 0,45 kg cân nặng cơ thể. Điều này có nghĩa là 500 vết ong đốt có thể gây tử vong cho một đứa trẻ nặng 22,67 kg, trong khi đó một người lớn trung bình có thể sống sót với hơn 1.100 vết ong đốt.

Phương pháp điều trị

Trường hợp phản ứng dị ứng nghiêm trọng với ong, một tình trạng nguy hiểm có thể gây sưng phù đường hô hấp và khó thở, dùng EpiPen để ngăn chặn phản ứng phản vệ. Tuy nhiên, nếu không có dị ứng, không nên sử dụng EpiPen do nguy cơ tác dụng phụ như tim đập nhanh và huyết áp tăng.

Vết đốt ong thường gây sưng và ngứa, có thể kéo dài vài ngày. Người bị dị ứng với côn trùng cần được chăm sóc y tế, có khi phải dùng thuốc chống dị ứng, epinephrine (adrenaline) và cortisone.

Đối với vết đốt thông thường, dùng gói lạnh, kem chống ngứa hoặc thuốc chống dị ứng như benadryl. Một thiết bị gọi là bút xoa dịu vết côn trùng cắn cũng có thể giúp giảm triệu chứng ngứa nếu sử dụng ngay sau khi bị ong đốt.

Nếu sưng phù ở các vùng khác hoặc có triệu chứng như đau bụng, buồn nôn, tiêu chảy, huyết áp thấp và phát ban, cần đến bệnh viện ngay. Đây có thể là dấu hiệu của phản ứng dị ứng nhẹ, xảy ra sau khi bị đốt và kéo dài vài giờ.

Cơ thể mỗi người phản ứng với vết đốt ong. Thompson khuyên trong mọi trường hợp hãy giữ bình tĩnh và duy trì khoảng cách an toàn với ong. Ong thường không muốn gây rối và cũng không nên làm phiền chúng nếu không cần thiết.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Xử lý thế nào khi bị ong tấn công? tại chuyên mục Kỹ Năng Sống của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Kỹ Năng Sống khác

Duy trì sức khỏe trong mùa thi

Mùa thi đến rồi, ngoài tập trung ôn luyện kiến thức thì việc duy trì cơ thể khỏe mạnh là điều rất cần thiết để đạt được kết quả tốt bạn nhé!

Biết bơi tuyệt lắm bạn ơi

Mùa hè được hòa mình vào làn nước mát ôi chao là thích! Thế nhưng làn nước tươi mát ấy chỉ trở thành “người bạn mang đến niềm vui” cho chúng mình khi bạn thực sự biết bơi và có nhận thức nghiêm túc về những rủi ro khi bạn xuống nước.

Nhiễu loạn không khí và cách tự bảo vệ bản thân

Sau sự việc chuyến bay của Hàng hàng không Singapore Airlines gặp nhiễu loạn khiến nhiều người vẫn chưa hết bàng hoàng, tờ SCMP đã gặp gỡ các chuyên gia để tìm hiều, phân tích về tình trạng nhiễu loạn không khí, cũng như những khuyến nghị để các hành khách đi máy bay có thể tự bảo vệ khi gặp phải tình huống tương tự.

Cùng nhau xây dựng "Trái Đất xanh"

Trái đất là một hành tinh tuyệt vời, nhưng “người bạn” này lại cần sự giúp đỡ của chúng ta để có thể phát triển mạnh mẽ! Tham gia “Ngày Trái Đất” – 22/4 hằng năm bằng các hoạt động thiết thực như nhặt rác và trồng cây, chúng ta đang biến thế giới của mình trở thành một nơi hạnh phúc hơn, lành mạnh hơn.