Ý nghĩa của Tết Hàn thực, vì sao lại cúng bánh trôi bánh chay trong ngày này?

Vào ngày Tết Hàn thực 3/3 Âm lịch hàng năm, mỗi gia đình đều bận rộn chuẩn bị những đĩa bánh trôi, bánh chay. Tuy nhiên không phải ai cũng biết được ý nghĩa của ngày Tết này.

 Nguồn gốc Tết Hàn thực

Vào ngày Tết Hàn thực, người Việt làm bánh trôi bánh chay để dâng lên ông bà, tổ tiên

Theo nghĩa chữ Hán, "Hàn" là lạnh, "thực" là ăn. Tết Hàn thực có ý nghĩa là ngày Tết ăn đồ lạnh.

Đời Xuân Thu, vua Tấn Văn Công nước Tấn, gặp loạn nên phải bỏ nước lưu vong sống cảnh nay trú nước Tề, mai ở nước Sở. Bấy giờ, có một hiền sĩ tên là Giới Tử Thôi, theo phò vua đã giúp đỡ nhiều mưu kế.

Một hôm, trên đường lánh nạn, lương thực cạn kiệt, Giới Tử Thôi phải lén cắt một miếng thịt đùi mình nấu lên dâng vua. Vua ăn xong, hỏi ra mới biết đem lòng cảm kích vô cùng.

Giới Tử Thôi theo phò vua Tấn Văn Công trong vòng mười chín năm trời, cùng nhau nếm mật nằm gai, khổ luyện thành tài.

Về sau, Tấn Văn Công giành lại được ngôi vương, phong thưởng rất hậu cho những người có công nhưng lại quên mất Giới Tử Thôi. Giới Tử Thôi không oán giận gì, về nhà đưa mẹ vào núi Điền Sơn ở ẩn.

Tấn Văn Công về sau nhớ ra, cho người đi tìm Tử Thôi. Nhưng vì là người không tham danh vọng, Tử Thôi nhất quyết không quay về lĩnh thưởng. Tấn Văn Công ra lệnh đốt rừng (muốn thúc ép Tử Thôi quay về). Không ngờ Tử Thôi quyết chí, hai mẹ con cùng chịu chết cháy trong rừng.

Vua đau lòng, thương xót nên đã lập miếu thờ và hạ lệnh trong dân gian phải kiêng đốt lửa ba ngày, chỉ ăn đồ nguội nấu sẵn tưởng niệm Giới Tử Thôi. Cũng từ đó, ngày mùng 3/3 âm lịch hằng năm được coi là ngày Tết Hàn thực.

Ý nghĩa của Tết Hàn thực

Tết Hàn thực được xem là một ngày lễ truyền thống của Việt Nam khi người dân khắp vùng đều nặn bánh trôi, bánh chay cúng lên tổ tiên vào ngày 3/3 Âm lịch hàng năm.

Chia sẻ với phóng viên VTV chuyên gia văn hóa Nguyễn Hồng cho biết, ngày Tết Hàn Thực bắt nguồn từ văn hóa Trung Quốc, liên quan đến việc người dân đất nước này tưởng nhớ đến vị tướng Tử Thôi cõng mẹ chết cháy trong rừng, vậy nên tục lệ của đất nước này là phải ăn đồ nguội đã nấu sẵn từ ngày hôm trước và cấm lửa vào ngày Tết Hàn Thực. Tuy nhiên, trong quá trình giao thoa văn hóa, Tết Hàn Thực của Việt Nam có những điểm khác biệt lớn, mang đậm bản sắc dân tộc rõ nét.

"Vào ngày Tết Hàn Thực, người dân Việt Nam không có tục cấm lửa, cũng không phải cúng để tưởng nhớ đến vị tướng Tử Thôi. Bánh trôi, bánh chay được làm ra đều đặt lên bàn thờ để cúng bái và tưởng nhớ gia tiên, mang ý nghĩa nhớ về cội nguồn. Đặc biệt, hình tượng những chiếc bánh trôi, bánh chay tròn vo, nho nhỏ, xếp đầy trên đĩa cũng mang hàm ý tưởng nhớ đến mẹ Âu Cơ khi sinh ra bọc trăm trứng, thể hiện người dân Việt Nam nhớ rõ cội nguồn con rồng cháu tiên của mình.

"Mâm cúng lễ Tết Hàn Thực cũng tương tự như các ngày lễ tết quan trọng khác, cần có hương, hoa, quả tươi, trầu cau. Tránh dùng những loại quả có nhiều gai góc để bày ngũ quả, nếu cầu kỳ thì mua các loại quả đại diện ngũ hành, đơn giản hơn thì chỉ cần một đĩa hoa quả tươi là được, chỉ cần thể hiện sự thành tâm cũng đủ. Trên bàn thờ cũng phải có 1 ly nước sạch thể hiện tâm trong sạch, thanh tịnh của gia chủ khi làm lễ".

 Vũ Hiền (Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ý nghĩa của Tết Hàn thực, vì sao lại cúng bánh trôi bánh chay trong ngày này? tại chuyên mục Chuyển động của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Chuyển động khác