1. Máy in chữ nổi
Đứng đầu danh sách các phát minh này là Shubham Banerjee, người Mỹ gốc Ấn Độ. Năm 2014, ở tuổi 13, Shubham bắt tay chế tạo chiếc máy có tên Braigo V1.0 với nguyên liệu từ bộ đồ chơi lắp ráp Lego kết hợp với một số linh kiện và phần mềm máy tính. Shubham đã sử dụng bộ Lego Mindstorms EV3 và khoảng 5 USD phần cứng từ Home Depot để thực hiện công việc. Quả thực, Braigo V1.0 rẻ hơn đáng kể so với các máy in chữ nổi khác trên thị trường, thường có giá trên 2.000 USD/chiếc. Shubham đã thành lập công ty khởi nghiệp Braigo Labs vào năm 2015 cùng với cha mẹ mình.
2. Máy giặt chạy bằng bàn đạp
Nữ sinh Remya Jose, 14 tuổi đến từ Ấn Độ, phát minh ra thiết bị này sau khi mẹ em bị ốm và yêu cầu em giặt quần áo giúp mẹ. Ban đầu, Jose nghiên cứu cách hoạt động của những máy giặt thông thường để thay thế cơ chế hoạt động của máy bằng thủ công. Sau đó, Jose cùng cha sử dụng một số bộ phận xe đạp tái chế để tạo ra một thiết bị giúp tiết kiệm thời gian, năng lượng. Quần áo sẽ được bỏ vào bên trong lồng, cùng với nước nóng và bột giặt, ngâm trong 10 phút. Sau đó, người sử dụng đạp bàn đạp để xoay quần áo bên trong lồng như đi xe đạp. Đây là một sáng chế đơn giản và thông minh dành cho những gia đình ở khu vực nông thôn khó tiếp cận với những chiếc máy giặt bình thường.
3. Giải pháp tạo ra nước sạch và phát điện
Cynthia Sin Nga Lam, nữ sinh quốc tịch Úc gốc Việt là gương mặt nổi bật tại Hội chợ khoa học Google 2014 bởi phát minh ra cỗ máy H2Pro. H2Pro có nguyên lý hoạt động như sau: sử dụng ánh sáng mặt trời để phân hủy những hợp chất bẩn trong nước, đồng thời tách khí hydro - nguyên tố sẽ được biến đổi tạo thành điện năng. Cỗ máy giải quyết cả hai vấn đề là nước sạch và sinh điện chỉ bằng một giải pháp.
4. Tay nắm cửa tự khử trùng
Sun Ming Wong, 17 tuổi và King Pong Li, 18 tuổi, ở Hong Kong (Trung Quốc), đã phát minh ra một sản phẩm có thể giúp tránh xa vi khuẩn nguy hiểm, đó là tay nắm cửa tự khử trùng. Sản phẩm được giới chuyên gia đánh giá là mang tính cách mạng trong việc kiểm soát dịch bệnh và vệ sinh. Ý tưởng của hai chàng trai này bắt đầu khi nhận thấy có nhiều vật thể mà hàng ngày con người chạm vào như tay nắm cửa, tay nắm xe đẩy hàng siêu thị, tay vịn ban công… chứa rất nhiều vi khuẩn. Từ đó, cả hai đã tìm cách chế tạo ra một bề mặt có khả năng tự diệt khuẩn một cách liên tục.
Sau một thời gian dài khám phá, Sun và King phát hiện thấy hợp chất Titanium Dioxide là chất diệt khuẩn tuyệt vời. Bởi vậy, họ đã nghiền hợp chất này thành bột mịn để phủ lên tay nắm cửa. Kết quả, tay nắm cửa có hiệu suất diệt khuẩn đến 99,8%. Và điều đáng chú ý nữa là giá thành của sản phẩm này chỉ có 13 USD/chiếc.
5. Thiết bị cảnh báo bệnh nhân mất trí nhớ đi lang thang
Kenneth Shinozuku, 15 tuổi đến từ New York, Mỹ, đã giành được giải thưởng khoa học trị giá 50.000 USD cho thiết bị cảm biến đeo trên người có tên Wearable sensor (WS). Nó có khả năng gửi cảnh báo qua thiết bị di động khi bệnh nhân sa sút trí tuệ rời khỏi giường. Phát minh của Kenneth Shinozuku được truyền cảm hứng từ ông nội mắc bệnh Alzheimer, đặc biệt là khi ông thường xuyên rời khỏi giường vào lúc nửa đêm và tự làm mình bị thương.
6. Máy phát hiện ung thư tuyến tụy
Năm 2011, Jack Andraka, 17 tuổi ở bang Maryland (Mỹ), đã phát minh ra công cụ phát hiện ung thư tuyến tụy. Phát minh này đã được trao giải Giải Intel ISEF Gordon E Moore trị giá 75.000 USD. Đó là que thử đơn giản nhưng rất hiệu quả. Để tìm ra que thử, đầu tiên, Jack Andraka tìm hiểu thủ phạm, đó là một loại protein được phát hiện ở mức cao hơn ở những bệnh nhân dương tính với ung thư tuyến tụy. Trong số 8.000 protein, cuối cùng, Jack chọn được mesothelin. Đây là một loại protein được sản sinh quá mức trong các trường hợp ung thư tuyến tụy.
Bước tiếp theo, Jack Andraka nhờ Giáo sư Anirban Maitra tại Đại học Johns Hopkins để thử nghiệm mesothelin. Sau một thời gian dài vất vả, cuối cùng, Jack Andraka đã tìm ra que thử nói trên. Nó nhanh hơn 168 lần, nhạy hơn 400 lần so với phương pháp truyền thống, đặc biệt có chi phí rẻ.