7 lỗi sơ cứu có thể gây nguy hiểm tính mạng

Nguyễn Thị Đức
Sơ cứu không đúng cách có thể khiến cho tình trạng của người bị nạn trầm trọng thêm. 7 lỗi cơ bản dưới đây thậm chí có thể gây nguy hiểm đến tính mạng mà nhiều người vẫn thường hay nhầm lẫn.

Hiệp hội tim mạch Mỹ ước tính có khoảng 70% người dân nước này không biết thực hiện kỹ thuật hồi sinh tim - phổi CPR giúp tăng gấp đôi cơ hội sống cho nạn nhân. Các tổ chức y tế hàng đầu thế giới cũng luôn khuyến cáo mọi người trang bị cho mình kiến thức, kỹ năng sơ cứu ban đầu để không rơi vào tình trạng nguy hiểm bởi tai nạn có thể xảy ra ở bất cứ đâu, ngay trong ngôi nhà. Bạn có thể bắt đầu từ việc tránh mắc phải các lỗi dưới đây.

1. Ngửa cổ khi chảy máu cam

Nhiều người cho rằng khi ngửa cổ như vậy sẽ giúp không bị chảy máu nữa nhưng đây là tư thế hoàn toàn sai. Vì lúc đó, máu có thể chảy ngược xuống khi quản, gây khó thở (đặc biệt với người đang nằm ngửa) hoặc nuốt máu dễ gây nôn mửa. Thay vào đó, bạn nên hơi hướng đầu về phía trước và bóp nhẹ hai bên cánh mũi để máu ngừng chảy. "Trong trường hợp tốt, áp suất không đổi, việc xuất huyết sẽ không kéo dài quá 5 phút", Robert S. Seitz, đại diện của Hội đồng tư vấn khoa học, thuộc Hội chữ thập đỏ Mỹ cho biết.

2. Chườm đá trực tiếp lên vết bầm tím

Cũng theo Seitz, nhiệt độ lạnh của đá có thể làm da bị "đóng băng" và gây nguy hiểm nếu bạn đặt trực tiếp viên đá lên vết bầm. Cách đúng là bọc đá vào trong một chiếc khăn mỏng và chườm khoảng 20 phút.

3. Uống nước ngọt khi đang khát

Các loại nước ngọt có ga hoặc bia có thể giúp bạn cảm thấy "đã khát" nhưng cùng với đồ uống chứa caffeine, rược, chúng lại là nguyên nhân khiến tình trạng mất nước trở nên nghiêm trọng hơn. Trong trường hợp này, nước hoặc nước uống điện giải sẽ có tác dụng tốt hơn cả. Khi bị mất nước, bạn nên ngồi nghỉ trong chỗ thoáng mát và bổ sung nước mỗi 15 phút một lần và nếu không cảm thấy đỡ hơn sau nửa tiếng, hãy đến gặp bác sĩ.

4. Quấn nóng để chữa bong gân

"Mọi người thường nghĩ rằng khi quấn một miếng vải nóng và luân phiên nhiệt độ nóng - lạnh sẽ giúp kéo căng cơ. Nhưng một miếng vải nóng (ấm) có thể làm giãn mạch máu và làm sưng vùng bị thương", Seitz nói. Cách phù hợp là đắp một miếng gạc lạnh trong 20 phút (nghỉ 20 phút rồi đắp tiếp) và giữ khu vực bị thương bất động khoảng một giờ. Sau đó, bạn nên tới gặp bác sĩ để được kiểm tra, xử lý tốt hơn.

5. Uống cafe hay nước tăng lực sau khi bị ngất

Những thức uống này không giúp bạn tỉnh táo hơn mà ngược lại, chúng sẽ làm giảm huyết áp. Thay vào đó, bạn nên gác chân lên cao để máu tuần hoàn và nằm nghỉ ngơi, thư giãn, tránh tâm lý căng thẳng.

6. Ép mạnh cơ hoành khi bị hóc nghẹn

Theo tài liệu hướng dẫn sơ cứu mới của Hội Chữ thập đỏ, khi một người bị hóc nghẹn, hãy giữ cho người đó đứng lên và vỗ mạnh 5 lần vào vị trí giữa bả vai. Sau đó, bạn đứng sau nạn nhân, vòng tay ra phía trước (vùng thượng vị) nạn nhân, bàn tay phải nắm lại, bàn tay trái cầm lây nắm tay phải áp sát vào vùng thượng vị, giật mạnh vòng tay về phía cơ hoành từ dưối lên trên. Có thể làm lại thủ thuật nhiều lần. Cách này gọi là thủ thuật Heimlich

7. Garo để cầm máu

Khi xem phim, bạn có thể thấy các diễn viên dùng khăn hoặc áo sơ mi để buộc garo vết thương cầm máu. Nhưng trong thực tế, việc ngăn không cho máu chảy bằng cách này có thể hại nhiều hơn lợi. Cách sơ cứu được khuyên là nên đặt miếng gạc trực tiếp lên trên vết thương và giữ chặt. Khi máu không chảy nhiều nữa, hãy vệ sinh vết thương và băng bằng một miếng gạc sạch.

Theo GHK/Ione

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết 7 lỗi sơ cứu có thể gây nguy hiểm tính mạng tại chuyên mục Thuốc - Bác Sỹ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Thuốc - Bác Sỹ khác