Các cụ vẫn bảo 'trông mặt mà bắt hình dong’, qua ngoại hình đoán tính cách. Tuy nhiên với giới động vật, câu này chưa chắc đã đúng bởi có nhiều loài có kích thước lớn, trông rất “hổ báo” nhưng thực chất hiền khô, không có bất kỳ tác hại gì với con người chúng ta cả.
Cá mập voi
Cá mập là một trong những loài cá lớn nhất thế giới. Một con cá mập voi cái có thể dài tới 20m, con đực thì nhỏ hơn một chút. Và giống cá này thì to lớn đáng sợ vậy thôi chứ cá mập voi không tấn công con người.
Cá mập phơi nắng
Á quân về kích thước của các loài cá thuộc về cá mập phơi nắng hay còn gọi là cá nhám phơi nắng (basking shark). Khi trưởng thành, chúng có thể dài tới 12m và nặng hơn 5 tấn. Chẳng may đang lặn dưới biển mà gặp bạn ấy há miệng ra thì “rụng tim” luôn chứ chẳng đùa.
Dù siêu to khổng lồ cùng ngoại hình có phần đáng sợ nhưng loài cá này vô hại với con người. Chúng không phải là cá mập ăn thịt mà chỉ ăn phù du, cá nhỏ và các loài động vật không xương sống. Nên nếu có gặp nó thì bạn hãy yên tâm, bạn không phải là con mồi mà nó săn tìm.
Cá sấu "mỏ nhọn"
Cá sấu "mỏ nhọn" hay cá sấu Ấn Độ cũng tương tự như các loài cá sấu khác. Chỉ có điều, bộ hàm của nó rất dài và hẹp cho nên người ta có thể gọi nó là cá sấu mỏ nhọn.
Thông thường, cá sấu là loài săn mồi ăn thịt và có kích cỡ lớn nên thường gây nguy hiểm cho con người. Nhưng cá sấu mỏ nhọn thì khác, cho dù có hàng răng cưa lởm chởm rất dữ nhưng thực ra hàm của chúng rất mỏng manh, dễ gãy, chẳng dám tấn công con vật to hơn chúng bao giờ.
Kỳ giông khổng lồ
Nơi sống của kỳ giông khổng lồ là ở Trung Quốc. Đây là loài vật lưỡng cư lớn nhất thế giới, con trưởng thành có kích cỡ lên tới 1,8m, không khác gì "khủng long" thời hiện đại.
Tuy nhiên, thức ăn của chúng chỉ là côn trùng, các loài cá và lưỡng cư cỡ nhỏ, chúng không bao giờ tấn công con người. Hiện nay, số lượng kỳ giông khổng lồ đang bị đe dọa bởi ô nhiễm môi trường và nạn săn trộm.
Nhện Tarantula
Loài sinh vật có vẻ ngoài "lừa đảo" nhất hẳn phải nói là nhện Tarantula. Loài này có thân hình to lớn lại nhiều lông, có thể khiến một số người hoảng sợ khi đối mặt.
Tuy nhiên, bạn đừng lo, chúng khá vô hại. Nhện Tarantula có độc, nhưng độc rất yếu, còn yếu hơn cả ong. Thậm chí, chúng còn là vật nuôi yêu thích của nhiều người có niềm đam mê với nhện.
Cuốn chiếu
Chúng ta thường sợ những con nhiều hơn 4 chân như nhện, rết hay cuốn chiếu chẳng hạn. Rết và cuốn chiếu đều có nhiều chân, nhưng mức độ nguy hiểm thì khác hẳn nhau.
Ở châu Phi có loài cuốn chiếu khổng lồ có thể dài tới 30cm, sống từ 5 đến 7 năm và có khoảng 400 cái chân. Thoạt tiên nhìn thấy thì thật đáng sợ, nhưng cuốn chiếu khá vô hại.
Chúng sống bằng nguồn thực phẩm từ thực vật phân hủy. Nếu như rết có cả răng nanh và nọc độc gây nguy hiểm cho con người thì ngược lại, cuốn chiếu không thể cắn.
Khi gặp đối thủ, chúng chỉ có thể tiết ra một loại hóa chất để tự vệ, những chất này thường vô hại với con người. Vậy nên, bạn không cần phải sợ khi gặp phải con vật này nhé.
Rắn sữa
Nhắc tới rắn ai cũng thấy sợ hãi vì chúng có nhiều nọc độc, có thể nguy hiểm tới tính mạng nếu gặp phải.
Đặc điểm để nhận biết rắn có độc nằm ở hoa văn - thường thì càng sặc sỡ, càng độc. Nhưng rắn sữa (milk snake) là trường hợp ngoại lệ. Loài rắn sữa có vẻ ngoài trông cực kỳ giống rắn san hô (coral snake) - một trong những loài rắn có nọc độc mạnh nhất trong họ hàng nhà rắn, nhưng rắn sữa vô hại, không có chút độc tố nào. Hoa văn của nó có lẽ để chúng "ngụy trang" mà thôi.
Bọ cạp roi
Đây là loài sinh vật có vẻ ngoài pha trộn giữa nhện và bọ cạp. Nếu lần đầu nhìn thấy bọ cạp roi, chắc chắn bạn sẽ muốn khóc thét.
Nhưng thực ra loài vật này khá nhút nhát, ít khi gây nguy hiểm. Hơn nữa, bọ cạp roi không hề có độc nên chẳng mang theo mối nguy nào với con người cả. Trái lại, chúng còn góp phần thủ tiêu các loài sâu bọ có hại, nhất là gián.