Ám ảnh: Bữa cơm trắng trộn muối, chan nước lã của trẻ em Sùng Đô

Nguyễn Hà
Cô Lò Thị Thiệp - Hiệu trưởng Mầm non Sùng Đô vẫn không sao quên được hình ảnh tụi trẻ ngồi xụp xuống nền đất trong lớp học thiếu sáng, xì xụp và vội bát cơm trắng chan nước lã, quả cà gai trộn muối ớt.

Không điện, không nước sạch

4 năm công tác trên vùng cao Sùng Đô (Văn Chấn - Yên Bái), cô Hiệu trưởng Mầm non Lò Thị Thiệp hiểu được cái nghèo, cái khổ nơi đây. Cô luôn lo lắng về sự học vùng đất nghèo bởi “ăn còn chẳng đủ”, cơ sở vật chất nhiều thiếu thốn, đời sống người dân còn nghèo, dân trí thấp. 90% dân số là dân tộc Mông, nguồn thu chủ yếu từ nương rẫy và đây là một trong những địa phương có tỷ lệ thất học cao nhất huyện.

Điểm trường lẻ Làng Mảnh (thuộc Mầm non Sùng Đô) được dựng tạm để khai giảng năm học mới 2016  - 2017.

Hiện nay, trường Mầm non Sùng Đô có 5 điểm trường với 263 học sinh và chỉ có 3/8 nhóm lớp có phòng học bán kiên cố, còn lại đều là tạm bợ. Ở bản Làng Mảnh và Giằng Pằng không có điện, không nước sạch. Cô Hiệu trưởng băn khoăn: “Giờ lo nhất hai điểm trường này vì phòng học cực kỳ ọp ẹp, chỉ là nền đất, mái lá cọ. Đặc biệt, điểm Làng Mảnh là bản sâu và xa nhất, chỉ là lớp học tạm năm nay mới mở mà chưa có bàn ghế, đồ dùng học tập. Phòng học tuềnh toàng, trống trơn, không có cửa sổ, nhìn lên mái nhà là thấy ngoài trời. Nghĩ đến ngày khai giảng năm học mà xót xa quá!”.

Nói về sự nghèo, khổ ở vùng đất này, cô Thiệp khẽ thở dài kể về bữa cơm ám ảnh ở điểm trường Giằng Pằng. Học sinh ngồi thụp dưới nền đất, và bát cơm trắng với quả cà gai trộn muối; nhà bạn nào điều kiện hơn thì có cá khô giã nhỏ với ớt, muối mang từ nhà. “Bữa cơm trắng chan nước lã là bình thường với học sinh ở Giằng Pằng” – cô Thiệp nói.

Chính vì thế, cô Thiệp quyết tâm xây dựng mô hình bán trú, nấu ăn tại trường để mang đến bữa cơm no đủ cho học trò. Năm 2012, bữa cơm đầu tiên có thịt ở điểm trường Giằng Pằng khiến cô tròn mắt ngạc nhiên khi thấy một đứa trẻ 5 tuổi ăn 6,7 bát cơm, ngấu nghiến như chưa bao giờ được ăn ngon như thế. Ăn hết rồi lại xin, ánh mắt đầy thèm thuồng.

Ăn chẳng đủ, mặc chẳng có, điều kiện cơ sở vật chất thiếu thốn, đường xá đi lại khó khăn, chủ yếu các bạn đi bộ đến trường. Giằng Pằng nằm cách điểm trường chính 25 cây số, muốn đến đó tài xế phải chinh phục đèo dốc cheo leo giữa một bên là vách núi dựng đứng, một bên là vực sâu hun hút. Cô Thiệp nhớ lại: “Mình ngồi đằng sau mà phải nhắm mắt vì sợ quá. Cung đường này chỉ dành cho những tay lái nam “cao thủ”, con gái không ai dám đi”.

Cần lắm những tấm lòng

Cô Thiệp tâm sự: “Học sinh ở đây sợ mùa đông và sợ không có cái ăn. Mùa đông năm ngoái, nhiệt độ xuống thấp, có băng tuyết, trâu bò chết như ngả rạ, học sinh phải nghỉ học. Mùa đông cũng như mùa hè, các bạn vẫn chỉ đi chân đất, mặc áo phong phanh, thậm chí là cởi trần, cởi truồng đến lớp”.

Chính vì thế, khi biết các tổ chức từ thiện sẽ lên tổ chức tặng quà, vui trung thu cùng các em Sùng Đô, cô vui lắm bởi: “Chưa bao giờ các bạn được đón Trung thu đúng nghĩa. Bà con đâu biết đó là ngày gì, vả lại chẳng có điều kiện mua bánh nướng, dẻo, đèn ông sao như dưới miền xuôi”.

Cuộc sống thường ngày của trẻ em Sùng Đô.

Xa hơn, nỗi mong mỏi của thầy cô trường Mầm non Sùng Đô là làm sao năm học này, trẻ em ở điểm Giằng Pằng, Làng Mảnh (cách trung tâm hơn 20km) có một phòng học kiên cố, có chăn chiếu, bàn ghế, đồ dùng học tập, sách vở đầy đủ; mỗi bạn có được chiếc áo ấm, đôi dép để chống chọi với mùa đông khắc nghiệt.

Anh Quang Toại - thành viên nhóm từ thiện Hà Nội, người từng đặt chân đến Sùng Đô tâm sự: “Mọi thứ trên đó đều rất khó khăn, đặc biệt là các bạn nhỏ. Học sinh lớp lớn thì vào rừng đào măng bán lấy tiền phụ giúp gia đình. Bữa ăn chỉ có cơm và canh rau dớn (một loại cây giống dương sỉ). Mình khâm phục ý chí bám bản của thầy cô giáo Sùng Đô. Họ phải di chuyển quãng đường rất xa, nhiều đèo dốc nguy hiểm đặc biệt vào ngày mưa đường lầy lội mà chúng tôi đều phải lắc đầu chịu chết”.

Cậu bé đi hái rau dớn (rau rừng) để làm thức ăn. (Ảnh chụp mùa đông 2015)

“Trên đó nghèo lắm! Mình ấn tượng đặc biệt với các bạn nhỏ. Khuôn mặt nhem nhuốc, mũi thò lò, và nhìn mình bằng ánh mắt hiền lành, thơ dại và đầy xót xa. Mình lên Sùng Đô dịp giáp Tết âm, nhiệt độ xuống 13 độ và tụi trẻ thì co ro, run lên trong manh áo mỏng đã cũ nhầu. Mình hỏi có lạnh không, các bạn ấy gật đầu ngại ngùng đáp: “Lạnh!”. Cô giáo nhìn học trò đầy thương cảm nói: “Bọn trẻ chịu lạnh quen rồi ạ!”, bạn Bích Thảo - thành viên trong nhóm Sống hướng thiện nhớ lại.

Bạn Mai Hạnh - một tình nguyện viên cho biết: “Trường nằm tít trên cao, cách xa trung tâm. Đường đi rất khó khăn, phải nhờ thầy cô chở từ chân núi. Mình thấy nhiều bạn còn địu em đến trường, đi kiếm rau rừng về ăn nhưng chân không giày, không dép, vào mùa đông, đôi chân đỏ ửng, cước lên vì lạnh”.

NH

 

 

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Ám ảnh: Bữa cơm trắng trộn muối, chan nước lã của trẻ em Sùng Đô tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Sức mạnh của đoàn kết

Báo TNTP&NĐ xin trân trọng giới thiệu bài viết: "SỨC MẠNH CỦA ĐOÀN KẾT" của bác Tô Lâm - Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam.