An Bang - Hòn đảo của những con sóng lớn

Chu Hải
TNTP - Đảo An Bang thuộc huyện đảo Trường Sa, tỉnh Khánh Hòa, là một hòn đảo có vị trí chiến lược quan trọng về quân sự và phát triển kinh tế biển giữa quần đảo Trường Sa với khu vực nhà giàn DK1.

Hòn đảo này có vị trí rất quan trọng, là cầu nối giữa các đảo thuộc quần đảo Trường Sa với khu vực dầu khí nằm trên thềm lục địa phía Nam của Tổ quốc.

Từ bãi đá san hô thành hòn đảo xanh tươi

Đảo An Bang mát mẻ về mùa hè, ấm về mùa đôn. Hàng năm, tỷ lệ ngày nắng, nóng, giông tố chiếm nhiều hơn, độ mặn trong hơi nước và không khí cao. Đảo không có nước ngọt, thổ nhưỡng là cát san hô, bề mặt có phủ một lớp mùn mỏng, nghèo chất dinh dưỡng nên cây cối trên đảo rất khó phát triển. Muốn trồng rau xanh, cây xanh trên đảo, chiến sĩ phải lao động miệt mài, cải tạo đất đai rất gian nan. An Bang từ bãi đá san hô nay đã trở thành một hòn đảo xanh tươi, rợp bóng mát của các loại cây bàng vuông, phong ba, muống biển và các chú bộ đội hải quân đã tự túc được nguồn rau xanh mà không phải phụ thuộc vào đất liền như trước đây.

Đảo Đồng Hồ

Nằm trên thềm san hô ngập nước, khi thủy triều xuống thấp, độ cao của An Bang cao khoảng 3m, mép bờ đảo xa thêm khoảng 50m. Đảo do các tảng đá san hô liên kết với nhau tạo nên. Bờ đảo được bao bọc bởi các tảng đá san hô lớn. Bờ Tây là một dải cát hẹp; còn bờ Nam của đảo là bãi cát thường thay đổi theo mùa: từ tháng 4 đến tháng 7 hàng năm, được bồi thêm cát thành một bãi cát dài di chuyển theo mùa, chạy vòng quanh. Nhưng từ tháng 8 trở đi, bãi cát này dần biến mất và dịch sang bờ phía Đông của Đảo. Theo chu kỳ, bãi cát di chuyển hết một vòng là tròn một năm. Vì thế An Bang còn có một tên gọi khác là đảo Đồng Hồ. Đây cũng là điều thú vị và đầy ấn tượng đối với ai từng có dịp đến thăm đảo An Bang.

Cấu trúc san hô của đảo dựng đứng nên 4 mùa sóng lớn. Do vậy, việc ra vào đảo gặp rất nhiều khó khăn, nguy hiểm. Nhiều chuyến tàu từ đất liền đến thăm cán bộ, chiến sỹ đảo An Bang vào đúng mùa sóng dữ đã không thể vào đảo. Đảo thường xuyên phải hứng chịu những trận cuồng phong, sóng dữ nên cán bộ, chiến sĩ làm nhiệm vụ nơi đây rất kiên cường về ý chí, vững vàng về tư tưởng và có sức khỏe dẻo dai. Nằm ở vị trí tiền tiêu, khắc nghiệt nên đảo thành lập một đội quân đặc biệt gồm những chiến sĩ rất thiện chiến về bơi lội, chịu trách nhiệm đón đưa khách và vận chuyển hàng hóa, kéo xuồng để giúp những chuyến vào ra đảo được an toàn. Việc bơi ra bắt dây, kéo xuồng lên bờ hoặc đẩy xuồng xuống biển về lại tàu lớn, đòi hỏi các chiến sĩ phải biết chớp thời cơ giữa hai con sóng để thực thi nhiệm vụ, nhằm tránh rủi ro.

Hòn đảo nhỏ nhiều chiến công

Đến nay, trên đảo An Bang đã có nhà ở, nhà làm việc kiên cố vững chắc, hệ thống năng lượng gió, năng lượng mặt trời... được đưa vào sử dụng, góp phần nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho cán bộ, chiến sĩ trên đảo. Bên cạnh nhiệm vụ chính trị trọng tâm là huấn luyện sẵn sàng chiến đấu, cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang còn luôn làm tốt việc cứu hộ, cứu nạn cho ngư dân khai thác, đánh bắt hải sản trong khu vực. Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang luôn đoàn kết một lòng vượt qua mọi khó khăn, cảnh giác sẵn sàng chiến đấu, hoàn thành tốt nhiệm vụ bảo vệ biển đảo quê hương. Đảo liên tục nhiều năm đạt danh hiệu “Đơn vị quyết thắng”, được Thủ tướng Chính phủ tặng bằng khen. Cán bộ, chiến sĩ đảo An Bang đã vinh dự được Nhà nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba...

HƯỚNG DƯƠNG (Tổng hợp)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết An Bang - Hòn đảo của những con sóng lớn tại chuyên mục Khám Phá của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Khám Phá khác

Lao Xa - Hoang sơ và thơ mộng

Nếu bạn là người yêu thích khám phá những vùng đất mới, thì hãy ghé qua bản Lao Xa - một trong những địa điểm đẹp và thơ mộng bậc nhất vùng cao nguyên đá Đồng Văn, Hà Giang nhé!

Đình làng Hà Hồi

Nằm ở vị trí trung tâm xã Hà Hồi (Thường Tín, Hà Nội), đình làng Hà Hồi là một trong 6 ngôi đình cổ của vùng đồng bằng Bắc Bộ còn tồn tại đến ngày nay.