Điền kinh là môn thể thao nữ hoàng, là tâm điểm ngay từ khi thế giới bắt đầu tổ chức cuộc tranh tài Thế vận hội. Môn điền kinh luôn là môn có nhiều bộ huy chương nhất tại các kỳ Olympic, có nhiều VĐV tham dự nhất.
Điền kinh tại Olympic Tokyo 2020 có sự tham dự của 1900 vận động viên đến từ 80 quốc gia và vùng lãnh thổ, tranh tài ở 48 bộ huy chương. Cả Olympic có hơn 11000 VĐV thì có đến 1900 VĐV điền kinh, tức khoảng gần 1/5 số lượng VĐV.
Để được thi đấu tại Olympic thì VĐV phải đạt chuẩn thành tích nhất định, có thông số thành tích ngang hoặc vượt chuẩn qui định đề ra. Chính vì vậy, việc có mặt tại Olympic đã là niềm tự hào đối với mỗi VĐV điền kinh.
1900 VĐV đến từ 80 đội khác nhau, và đoàn Việt Nam có duy nhất nữ VĐV Quách Thị Lan tranh tài tại nội dung 400m rào nữ.
Để đến được Olympic là cả quá trình dài của nữ VĐV quê gốc Thanh Hóa này. Quách Thị Lan đã tranh tài tại Asiad (Đại hội thể thao châu Á) và giải vô địch châu Á môn điền kinh. Tại cả 2 giải đấu, ở nội dung của mình, Quách Thị Lan đều dành huy chương bạc. Tuy nhiên, cả 2 VĐV từng giành HCV sau đó đều bị phát hiện sử dụng doping (chất cấm trong thể thao nhằm tăng cường thành tích). Theo qui định, VĐV phạm luật sẽ bị tước huy chương, cấm thi đấu, và HCV được trao cho VĐV có thành tích tốt nhất tiếp theo. Cho đến hiện tại, Quách Thị Lan vẫn chưa chính thức được trao HCV ở 2 giải đấu này.
Quách Thị Lan có anh trai là Quách Công Lịch, cả hai anh em đều theo nghiệp VĐV và giành được nhiều thành tích về cho điền kinh Việt Nam. Trước ngày em gái chính thức tranh tài tại Olymlic, người anh trai Quách Công Lịch gửi đi 1 thông điệp rất ngắn gọn nhưng đầy ý nghĩa: "Bình tĩnh, tự tin và vượt qua chính mình là chiến thắng rồi nhé em gái". Rất nhiều những CĐV, người thân cũng đều chia sẻ với lời chúc thi đấu tốt này của Quách Công Lịch và cùng cổ vũ cho Quách Thị Lan.
Có 41 VĐV tham dự tại nội dung 400m rào nữ, các VĐV sẽ có 2 vòng đấu loại để chọn 8 VĐV vào chung kết tranh huy chương. Với toàn những VĐV hàng đầu ở nội dung này, cơ hội để Quách Thị Lan vào chung kết là rất khó.
Tuy nhiên, nữ VĐV duy nhất tranh tài ở Olympic của Việt Nam tại môn điền kinh xứng đáng nhận được nhiều hơn nữa những sự cổ vũ, tiếp sức tinh thần của khán giả nhà. Chỉ cần có một chút ít am hiểu thể thao thôi là bạn sẽ biết được rằng không thể đòi hỏi đi thi đấu Olympic là phải có huy chương, người đến được sân chơi này cũng đã là người chiến thắng.