Tuy nhiên là “mạng xã hội” nên cũng giống như một… xã hội có nhiều điều này nọ… “Câu chuyện củ chuối” lần này kể về một khía cạnh rất đáng quan tâm.
Sự vô tâm từ bàn phím
Khi có một thông tin buồn, tai nạn… xuất hiện trên mạng cần sự giúp đỡ, chia sẻ, không ít người đã ngay lập tức làm những điều có thể để giúp đỡ. Thế nhưng, bên cạnh đó, không ít người (nhất là các bạn trẻ ) lại có những bình luận cợt nhả, thậm chí khó chấp nhận. Người đưa ra bình luận đã đáng trách nhưng buồn hơn là tất cả bình luận này đều nhận được nhiều like (thích) và hưởng ứng từ những bạn trẻ khác. Đặc biệt ý kiến sau lại vô tâm và phản cảm hơn ý kiến trước.
Bức xúc trước sự vô tâm này, cũng nhiều người đã lên tiếng: “Sự hài hước thường mang lại niềm vui, thoải mái cho mọi người. Nhưng nhiều bạn trẻ đang cười trên nỗi đau của gia đình nạn nhân. Trong trường hợp này, khi không có tin tức có ích hoặc không muốn chia sẻ để lan truyền thông tin, im lặng là giúp đỡ người khác rất nhiều rồi”.
Những ý kiến khác thì thắc mắc, tại sao có những người có thể viết ra dòng chữ thể hiện sự kém cỏi, vô tâm đến thế:
“Nếu người gặp nạn là anh chị em, bạn bè, người thân của bạn, đọc được những dòng này, bạn có đau lòng không? Nếu không làm được gì, có thể im lặng, mỗi dòng chữ này chẳng khác gì một vết cứa vào sự lo lắng của gia đình người bị nạn. Xin đừng vô tâm nữa”.
Hồn nhiên đến vô duyên
Đây không phải là chuyện hiếm khi “dân mạng” thích “ném đá” người khác.
Mới tháng trước, “hot gir” Lily Maymac bị các bạn trẻ “tấn công” trên mạng xã hội vì lộ cơ thể bé nhỏ ngoài đời. Loạt hình của cô tại Instagram, Facebook bị “thả bom” bằng vô số lời chê bai, bình luận thiếu văn hóa.
Hoặc giữa tháng 5 vừa qua, khi thông tin ba chàng trai Tây dọn mương nước thối tại Hà Nội được lan truyền trên mạng, không ít người trẻ điềm nhiên chê trách nhóm bạn đó là “rảnh”, “làm hàng”, “diễn sâu”, “thích gây chú ý”...
Trước đó, hàng loạt người nước ngoài đã trở thành đích “ném đá” của giới trẻ như chàng sinh viên Hàn - Kim Wonsuk - đẹp trai trong buổi giao lưu tại Việt Nam bị “nhấn chìm” bởi hàng loạt bình luận khiếm nhã do “lỡ” có bạn gái…
Ném đá mọi nơi, viết bậy mọi lúc
Ai chia sẻ gì cũng ấn like, ai nói gì cũng hùa theo bình luận, đưa dự đoán vô tâm, cười đùa trên sự lo lắng của người khác - nhiều người trẻ đang có thói quen “ném đá” tất cả thông tin, viết bậy ở mọi diễn đàn.
Có ý kiến cho rằng, một bộ phận giới trẻ hiện nay có thói quen bình luận tiêu cực, rải sự vô tâm của mình ở mọi nơi. Nguy hiểm hơn, đó là việc hùa theo đám đông xấu xí một cách vô thức. Lý do vì rảnh rỗi và thói quen thích cợt nhả. Không cần biết đối tượng là ai, lý do gì, nhiều bạn trẻ sẵn sàng lao vào bình luận, cười đùa, chê bai…
Thói quen soi xét, đánh giá người khác qua mạng xã hội của người trẻ đã tồn tại từ lâu. Họ núp bóng đám đông để thể hiện sự vô tâm, thậm chí tàn nhẫn, chỉ trích những người không quen biết, bất kể đúng sai. Sau khi rời bàn phím, phần lớn họ quên đi dòng chữ mình vừa viết, tắt máy là kết thúc câu chuyện. Mạng xã hội là ảo còn cuộc sống là thật. Bản thân mạng xã hội hay bất kỳ công nghệ nào đều là trung tính, tốt hay xấu chủ yếu phụ thuộc vào người sử dụng.
Chưa bao giờ, những nút share, click, bình luận vô hồn lại độc ác đến thế!
HC + NET