Câu chuyện nhỏ dưới đây như một bông hoa thơm nhắc chúng mình nhớ về tình yêu thương của mẹ, của bà - những người phụ nữ đã luôn yêu thương, chăm sóc và hy sinh thầm lặng cho con cháu của mình. Chúc các bạn luôn giữ được trái tim ấm áp bởi tấm lòng biết ghi nhớ công ơn và không vô cảm trước yêu thương mà mình được đón nhận, bạn nhé!
Sớm nay Giang háo hức lắm, bởi kể từ khi nghỉ hè, tận đến hôm nay bố mẹ mới thu xếp cho Giang và em gái được về thăm ông bà nội, ngoại. Nhà ông bà nội và nhà ngoại ở cùng một làng nhưng cách nhà Giang tới 60 cây số. Về quê, bao giờ hai chị em cũng được lần lượt ở nhà bà ngoại một tuần, sau đó chuyển sang nhà nội ở thêm một tới hai tuần nữa mới trở lại thành phố chuẩn bị cho năm học mới.
Đoàn tàu chở khách chạy xình xịch trên đường ray, băng qua những làng mạc, đồng quê xanh ngát; đôi khi chạy song song với Quốc lộ nhộn nhịp tàu xe. Giang vừa ngắm cảnh, nhưng cũng vừa… sốt ruột đếm những sân ga mà con tàu đi qua, vì hết 6 ga là tàu sẽ về đến nhà bà ngoại rồi.
Cuối cùng thì hai chị em đã trông thấy con đường chạy về nhà bà. Tàu chạy cắt qua đoạn đường này một xíu rồi sẽ dừng lại ở ga, để mẹ con Giang đi bộ về.
Hai chị em Giang như chim sáo, bỏ xa mẹ ở phía sau, để chạy về hướng nhà bà phía lưng đồi. Bữa tối, ba mẹ con được ông bà ngoại chiêu đãi món canh cua siêu gạch, tôm đồng rang cùng thịt ba chỉ cháy cạnh hao cơm và món nộm hoa chuối mùa hè ăn rất cuốn.
Cơm nước xong xuôi, mẹ ngồi cùng ông bà bên bàn nước trò chuyện, chị em Giang được cậu út kéo ra một góc khoe những món đồ chơi thủ công cậu đã làm để chờ hai đứa. Đó là chiếc xe cút kít chở hàng sống động như thật, bộ chắt chuyền, rồi cả bộ sỏi chơi ô ăn quan, cậu tỉ mẩn chọn từng hòn sỏi trắng nhỏ, đều nhau tăm tắp từ hàng cát sỏi bên sông… cho hai đứa.
Chị em Giang thích quá, bèn xin cậu viên phấn rồi vẽ ngay ô chơi dưới nền nhà. Mải mê mãi đến lúc mẹ gọi đi đánh răng, cả hai mới biết đã hơn 10 giờ đêm.
Leo lên chiếc giường ngủ quen thuộc của bà, Giang nhường em nằm giữa bà và mẹ, còn mình thì nằm cạnh bà. Cô bé hít hà mùi mồ hôi của bà và lặng lẽ len len những ngón tay xuống dưới lưng bà.
Mẹ đang kể cho bà vài thói quen mới của em gái Giang, thì như chợt nhớ ra điều gì, mẹ hơi nhoài người sờ bàn tay Giang dưới lưng bà rồi nói:
- Mẹ thấy không, cháu Giang vẫn giữ thói quen rất lạ từ hồi bé xíu. Cứ khi đi ngủ là lại len bàn tay dưới lưng người nằm cạnh.
Bà cười nhẹ và giọng đều đều kể lại câu chuyện cách đây mấy năm, mà nhiều tình tiết vẫn còn láng máng trong trí nhớ của Giang.
Bố mẹ Giang là công nhân một nhà máy dệt, sống xa quê tới sáu chục cây số. Khi Giang mới hơn 2 tuổi, mẹ sinh em gái thứ hai, Giang được gửi về với bà ngoại, vì mình mẹ không thể trông hai chị em.
Mới 2 tuổi, Giang vẫn còn nhỏ lắm, thèm hơi mẹ, nên cô bé rất quấn bà. Trừ những lúc bà phải ra đồng, còn không thì Giang sẽ bám bà như hình với bóng.
Đêm. Trong căn buồng nhỏ có vách tường bằng gỗ, nghe rõ tiếng cóc nhái và dế kêu bên hông nhà, Giang ôm lấy bà và chìm vào trong giấc ngủ khi bàn tay nhỏ xíu vẫn ở dưới lưng bà. Cứ thế cho đến khi Giang đến tuổi đi lớp Mẫu giáo, mẹ mới đón về thành phố để tiện chăm lo việc học…
Giọng bà ngừng kể đã lâu, Giang tưởng bà và mẹ đã ngủ rồi, em cũng mơ màng muốn chìm vào giấc ngủ, thì nghe thấy giọng mẹ nghèn ngẹn nói với bà:
- Con cứ thắc mắc tại sao cháu có thói quen như thế? Hóa ra là thói quen của đứa bé khi thiếu vắng hơi ấm và sự chăm chút của mẹ.
Giang hé mắt, thấy bà vươn tay vỗ vỗ vào cánh tay của mẹ:
- Không ai muốn xa con mình đâu, nhưng hoàn cảnh bắt buộc thì đành phải vậy. Mà mẹ đã thay con chăm sóc cháu cẩn thận cho con rồi. Đứa cháu bé bỏng của mẹ không có ngày nào thiếu vắng tình yêu đâu!
“Ừ đúng vậy, mình chẳng bao giờ thấy thiếu tình yêu của bà và mẹ” - Giang ngẫm nghĩ, nhoẻn miệng cười và chìm dần vào giấc mơ đẹp đẽ đêm hè, nơi cô bé có mái tóc mỏng tung tăng, ríu rít trong vòng tay của ông bà, của dì và cậu…
Bài viết được đăng tải trên ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Còn nhiều bài viết hay, hấp dẫn, các câu chuyện thú vị đang chờ đón bạn khám phá tại ấn phẩm TNTP Thứ Tư. Nếu bạn quan tâm, có thể mua báo và đọc trực tuyến tại cửa hàng trực tuyến của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhé! |