Bạo lực học đường - Bài 1: Giúp teen tố cáo hành vi bắt nạt

Nguyễn Như Quỳnh
Các bạn thường không tố cáo những hành vi bắt nạt với thầy cô hay bố mẹ. Thậm chí những teen nhỏ hơn còn không nhận ra đâu là hành vi bắt nạt, hoặc tệ hơn khi không dám nói với người lớn.

Bạo lực học đường không còn là sự cảnh báo, mà trực tiếp đe dọa đến sự an toàn và bình yên của thế hệ trẻ.

Theo Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội), những vụ bạo lực học đường mà đối tượng là học sinh nữ tăng 13 lần so với 10 năm về trước. Có 96,7% học sinh Hà Nội tham gia trả lời phỏng vấn đã khẳng định có tới 97,9% học sinh từng đánh nhau không tỏ ra ân hận, không nhận thức được hành vi của mình, trong đó, 57,3% coi đánh nhau là việc bình thường và 39,6% cho rằng đây là hành vi “chấp nhận được”. 

Nhiều chuyên gia cho rằng, nguyên nhân dẫn tới hành vi bạo lực học đường thuộc về cả gia đình, nhà trường, xã hội và từ chính bản thân các bạn học sinh.

Theo Thiếu tướng Hồ Sỹ Tiến, thứ nhất là gia đình không quan tâm con cái, thứ hai là nhà trường thiếu trách nhiệm, không quan tâm, để các bạn học sinh muốn làm gì thì làm. Những mâu thuẫn trong các nhóm học sinh, nhà trường lại không biết được, thậm chí là có những thờ ơ khi có một số bạn lên phản ảnh với trường hoặc về tâm sự với bố mẹ thì được cho đấy là chuyện vặt nên dẫn đến sự bùng phát lớn như thế. Vậy nên phải phát hiện sớm để có cái biện pháp giải quyết. 

Còn TS Chu Mộng Long cho rằng, áp lực từ cha mẹ, áp lực từ thầy cô, áp lực từ nội dung và phương pháp dạy học sáo mòn, áp lực từ đánh giá chất lượng, thành tích là điều kiện cho bản năng bạo lực phát sinh mà những nguyên cớ đánh nhau vớ vẩn kia chỉ là bề mặt. Tuổi trẻ bộc phát năng lượng thừa cần được dịch chuyển thành năng lực của niềm vui học tập, sáng tạo. Đây là vấn đề khó, đòi hỏi cải cách căn bản và toàn diện giáo dục, biến áp lực thành động lực thật sự trong học tập. 

Thực tế cho thấy, "nạn nhân" của những vụ bạo lực đã từng bị bắt nạt một hoặc một vài lần trước đó nhưng thầy cô, pama không hề hay biết.

Các bạn thường không tố cáo những hành vi bắt nạt với thầy cô hay bố mẹ. Thậm chí những cô bạn, cậu bạn nhỏ hơn còn không nhận ra đâu là hành vi bắt nạt hoặc tệ hơn các bạn ấy không dám nói với người lớn.

Thiếu kỹ năng chia sẻ khiến mối quan hệ giữa pama và con cái trở nên lỏng lẻo, hoặc teen không biết làm thế nào để chia sẻ với pama và ngược lại, các bậc làm cha mẹ cũng không biết phải bắt đầu nói chuyện với con cái từ đâu.

Trong một cuộc khảo sát gần đây nhất, khi được hỏi lí do vì sao không tố cáo với người lớn, nhiều teen cho rằng hành động đó là “mách lẻo” và không muốn bị bạn bè gọi mình là “đồ mách lẻo”.

Vì vậy, pama cần phải nói chuyện rõ ràng để các bạn ấy hiểu được, bắt nạt là một biểu hiện nhìn thấy của bạo lực học đường. Nếu bị bắt nạt ở trường, dù là cô bạn hay cậu bạn cũng cần phải nói với người lớn. Đồng thời pama giải thích rõ ràng cho teen biết đâu là tố cáo, đâu là mách lẻo.

Sau đây là lời khuyên để bắt đầu những cuộc trò chuyện về vấn đề này:

1. Giải thích cho teen hiểu thế nào là bắt nạt

Bắt nạt là làm ai đó bị tổn thương bởi lời nói hoặc hành vi. Những lời nói hay việc làm cho người khác cảm thấy tồi tệ, phải mất một thời gian khó khăn để chấp nhận những gì đang xảy ra, đó chính là bắt nạt. 

2. Mách lẻo và tố cáo là hai điều khác nhau

Mách lẻo là nói những điều gây bất lợi với người khác, khiến họ gặp rắc rối. Tuy nhiên, "mách lẻo" là hành vi vô hại, thường không cần người lớn can thiệp.

Tố cáo là cách nói lên sự thật, giúp bảo vệ chính mình và các bạn khác khỏi những tổn thương. 

Pama nên lấy ví dụ về tố cáo và mách lẻo và hỏi các bạn ý xem trong tình huống nào nên nói với người lớn, trường hợp nào cần có người lớn giúp đỡ và có ai bị tổn thương, tổn hại gì không.

Ví dụ:

Trường hợp 1: Bạn A cho bạn B mượn bút trong giờ học, bạn C ho trong lớp... đây là một hành động không gây hại gì. Nếu teen mách cô, khi đó sẽ bị gọi là mách lẻo.

Trường hợp 2: Nhưng khi bạn B lôi kéo các bạn khác tẩy chay bạn mới chuyển trường, không chơi với bạn ấy trong giờ ra chơi hoặc bắt bạn ấy đi mua đồ ăn, xách cặp cho mình thì đây là hành vi bắt nạt và nó làm tổn thương bạn ấy. Trong trường hợp này, teen cần báo cáo lại với cô chủ nhiệm.

Với mỗi một câu chuyện, tình huống, pama nhớ nói cho các bạn ấy đáp án đúng nhé.

3. Luôn tâm sự và ủng hộ teen

Nếu các bạn ý muốn tố cáo hành vi bắt nạt, hãy sẵn sàng lắng nghe, pama nhé. Cho dù đó là những câu chuyện hết sức trẻ con, nhưng hãy để teen được kể ra. Điều quan trọng là phải biết ủng hộ, chú tâm vào việc tìm cho các bạn ấy giải pháp và coi trọng những điều các bạn ấy nói. 

Quỳnh Nguyên

 

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bạo lực học đường - Bài 1: Giúp teen tố cáo hành vi bắt nạt tại chuyên mục Kỹ Năng Sống của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Kỹ Năng Sống khác

Teen học quản lý tài chính cá nhân

Đối với thiếu niên, tương lai của thế giới, cách các teen quản lý tiền, sử dụng tiền và kiếm tiền sẽ ảnh hưởng rất lớn đến không chỉ hạnh phúc sau này, mà còn ảnh hưởng đến tương lai của thế giới.

Làm thế nào để tự khích lệ mình?

Trong cuộc sống cũng như trong học tập, bạn có thể gặp một vài rắc rối, trắc trở. Có thể là bài kiểm tra điểm thấp, bị bạn bè hiểu lầm... khiến tâm trạng bạn lo lắng, chán nản. Sự chán nản, thất vọng không chỉ một ngày, có thể nhiều ngày, nhiều tháng, nếu bạn không biết cách vượt qua.

Có một ngày gọi là sinh nhật

Sắp đến sinh nhật con rồi. Không chỉ con, mà cả nhà đều mong đợi. Mẹ đã chuẩn bị sẵn tinh thần chiêu đãi con và các anh chị em họ của con những món ngon các con vẫn thích. Mọi người đang tìm hiểu xem con đang mơ ước được nhận món quà gì?

Dạy kĩ năng sống cho học sinh qua chuyện cổ tích

Các bạn học sinh khối 3 trường Tiểu học Quang Trung (quận Hoàn Kiếm, TP. Hà Nội) đã được tham gia diễn đàn “Xây dựng kĩ năng sống cho trẻ qua chuyện cổ tích”. Diễn đàn là một trong những hoạt động phát triển năng lực học sinh.