Bác sĩ Trần Văn Đồng, khoa Điều trị tích cực, Bệnh viện Nội tiết Trung ương cho biết, khoa vừa tiếp nhận ca đái tháo đường (ĐTĐ) type 1 nhiễm toan ceton ở bệnh nhân nhi N.T.Đ 9 tuổi (Hải Hậu, Nam Định).
Bệnh nhân nhập viện với thể trạng gầy gò, cân nặng 24kg, da khô, môi se, tình trạng nhiễm trùng , bạch cầu cao lên tới 16,65 nghìn; mạch 130 lần/phút; huyết áp 100/60 mmHg. Kết quả xét nghiệm chẩn đoán ĐTĐ type 1 nhiễm toan Ceton.
Các triệu chứng của bệnh đái tháo đường type 1.
Theo tìm hiểu, trước đó khoảng 1 tháng bệnh nhân bắt đầu xuất hiện các triệu chứng mệt mỏi, khát nước, tiểu nhiều kèm sút 4kg không rõ nguyên nhân.Ba ngày trước khi vào viện, N.T.Đ bắt đầu mệt lả nhiều, đau bụng quanh rốn, người nhà đã đưa N.T.Đ tới khám tại bệnh viện Nhi Nam Định, tại đây các bác sỹ chẩn đoán mắc ĐTĐ type 1, theo dõi u tụy và chuyển trẻ lên tuyến trên để xử trí tiếp.
Sau khi nhập viện Nội tiết Trung ương, N.T.Đ đã được xử trí tích cực bằng việc tiêm Insulin kiểm soát đường huyết, truyền dịch và kháng sinh để điều trị nhiễm trùng. Sau 1 ngày theo dõi và điều trị đường huyết xuống còn 10,3 mmol/L.
Hiện tại bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch, tiếp xúc được, đường huyết được kiểm soát ổn định, không còn tình trạng mất nước, nhiễm trùng. Tuy nhiên, đường huyết vẫn được theo dõi và liều Insulin được điều chỉnh, N.T.Đ được hướng dẫn chế độ ăn để đạt mục tiêu đường huyết tối ưu và xác định phác đồ insulin sử dụng khi ra viện.
Theo bác sĩ Lê Quang Toàn, Trưởng khoa Đái tháo đường type 1 khác với đái tháo đường type 2 thường xảy ra ở người bệnh lớn tuổi với các triệu chứng âm thầm, đái tháo đường type 1 thường xảy ra ở bệnh nhân trẻ kèm theo các triệu chứng rầm rộ như khát nước, tiểu nhiều và thường xuyên, đói nhiều, ăn nhiều nhưng vẫn sút cân, mệt mỏi dễ cáu kỉnh. Nếu không được phát hiện và điều trị kịp thời, dễ rơi vào hôn mê nhiễm toan ceton và có thể tử vong. Do vậy, để phát hiện sớm căn bệnh này, tránh nhiễm toan ceton, phụ huynh cần đưa con đi khám bệnh khi có các triệu chứng bất thường.
Bác sĩ cho biết giai đoạn đỉnh khởi phát bệnh đái tháo đường type 1 thường xảy ra ở độ tuổi 10-12. Đó là lý do tại sao loại bệnh này còn được gọi là bệnh đái tháo đường vị thành niên hoặc bệnh đái tháo đường trẻ em. Trong đó, 80% các trường hợp xảy ra mà không có tiền sử gia đình bị mắc bệnh này.
Thủ phạm gây bệnh đái tháo đường ở trẻ chính là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt (Ảnh: internet).
Theo TS. Vũ Chí Dũng, Trưởng khoa Nội tiết - Chuyển hóa - Di truyền (Bệnh viện Nhi T.Ư) thủ phạm gây bệnh đái tháo đường ở bạn nhỏ chính là do ăn quá nhiều đồ ăn nhanh và ngọt nhưng lại lười vận động. Phương pháp tốt nhất để giảm nguy cơ mắc bệnh là khuyến khích các bạn nhỏ vận động hằng ngày, giúp kích thích sự vận chuyển chất đường vào trong tế bào và cải thiện khả năng phản ứng của cơ thể với Insulin.
Theo khuyến cáo của các chuyên gia, bệnh đái tháo đường có thể phòng chống được, bằng cách thăm khám, sàng lọc phát hiện sớm để có hướng điều trị tích cực, phù hợp. Đặc biệt, cần duy trì chế độ ăn uống, nạp dinh dưỡng hợp lý song song với việc vận động thể lực đều đặn.
Dung Xa (Tổng hợp)