Nội dung chính
Sự phát triển mạnh mẽ của khoa học công nghệ tạo điều kiện để các nền tảng mạng xã hội lên ngôi. Bên cạnh những điều tích cực, mạng xã hội tiềm ẩn vô số mối nguy hại, một trong số đó là vấn nạn body shaming.
1. Body shaming là gì?
Body shaming hay "miệt thị ngoại hình" là một hình thức dùng ngôn ngữ tiêu cực để chê bai, phán xét hay chế giễu ngoại hình của người khác, khiến họ cảm thấy khó chịu, bị xúc phạm, dần dần bị ám ảnh và suy sụp tinh thần nghiêm trọng. Bạn có thể nghe thấy những câu nói đại loại như "béo như lợn", "gầy như nghiện"… Đó chính là body shaming.
Đôi khi body shaming còn đến từ phía chính bản thân bạn khi bạn cảm thấy mình đi ngược lại những chuẩn mực xã hội hay tự ti về ngoại hình của mình. Lúc này, body shaming còn nghiêm trọng hơn cả việc chỉ trích một ai đó.
Trong sự phát triển bùng nổ của MXH như hiện nay, tiêu chuẩn cái đẹp và hình thể của con người ngày càng trở nên khắt khe hơn. Người ta có xu hướng khoe những bức hình lung linh, đẹp nhất của mình và cảm thấy xấu hổ dù chỉ là khuyết điểm nhỏ. Bởi vậy nếu bạn có khuyết điểm hoặc lỡ đi ngược lại chuẩn mực của xã hội, bạn cũng có thể bị đem ra để bàn tán và chế giễu.
2. Những hình thức body shaming
Có nhiều kiểu body shaming đang tồn tại ngoài xã hội cũng như trên MXH nhưng phổ biến nhất là:
- Miệt thị thân hình, vóc dáng: Đây là kiểu body shaming phổ biến nhất khi bạn chê bai ngoại hình người khác như béo, gầy, lùn, dáng đi xấu,…
- Miệt thị làn da: Dành nhận xét tiêu cực về làn da người khác, chẳng hạn “da nhiều mụn nhìn sợ”, da quá đen,…
- Miệt thị các đặc điểm trên khuôn mặt: Chê bai về các đặc điểm trên khuôn mặt của người khác như mũi to, môi thâm, răng hô, gò má cao,…
Bên cạnh lời nói tiêu cực, body shaming còn thể hiện bằng những hình ảnh ghép, bản nhạc chế mang tính cách so sánh. Mạng xã hội trở thành một "nơi lí tưởng" cho những kẻ thích tấn công người khác, mà công cụ cụ thể là ngôn từ. Hơn 80% số lời miệt thị diễn ra trên Facebook, Instagram hay Twitter mà hậu quả của nó là không thể chối bỏ.
3. Nạn nhân của body shaming là ai?
Body shaming có hai hình thức: chế giễu bản thân hoặc chế giễu người khác. Bất cứ ai cũng có thể nằm trong “tầm ngắm” bị chế giễu dù ngoại hình của bạn có thế nào đi chăng nữa. Nhưng có lẽ đối tượng bị ảnh hưởng nặng nề nhất của body shaming là những người nổi tiếng hay có tầm ảnh hưởng. Đây là những người nhận được nhiều sự quan tâm từ công chúng, trong đó có cả tích cực hay tiêu cực.
4. Thực trạng body shaming ở Việt Nam
Body shaming là tình trạng xảy ra ở nhiều nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam. Trên các diễn đàn MXH, không khó để bắt gặt những bài viết, bình luận tiêu cực mang xu hướng dè bỉu, chê bai ngoại hình và danh dự của người khác. Ngày càng nhiều người nổi tiếng, ngôi sao bị chỉ trích nặng nề về ngoại hình.
Sau đêm Chung kết Vietnam’s Next Top Model 2017, Quán quân Kim Dung không phải là người được quan tâm nhất mà là Cao Ngân. Cô gái trẻ bị mỉa mai, chế giễu vì thân hình gầy gò, da bọc xương, nhiều người không ngại dùng từ ngữ nặng nề “như ở nạn đói năm 1945”. Ngoại hình của cô bị đem ra mổ xẻ, nhạo báng suốt nhiều tuần liền khiến dư luận đặt ra câu hỏi về vấn nạn body shaming.
Hiểu được những tác hại nghiêm trọng mà body shaming để lại, pháp luật Việt Nam đã ban hành những quy định liên quan tới vấn đề này trong nội dung của Điều 20 trong Hiến pháp năm 2013, nhằm bảo vệ người dân trước những lời chế giễu, phán xét, bình luận của người khác.
Theo đó, tất cả mọi người đều không được phép dùng lời nói khó nghe để miệt thị nhân phẩm, ngoại hình của người khác, dù đó có là bạn bè, người thân hay đồng nghiệp của bạn. Trong trường hợp vi phạm, những người thực hiện ngôn từ body shaming sẽ bị phạt nhẹ từ 100 - 300 nghìn đồng. Trường hợp gây ra những tổn thương nặng cho người nghe như khiến họ bị rối loạn tinh thần, tự tử sẽ bị phạt tới 30 triệu đồng cùng mức phạt ngồi tù tới 5 năm.
5. Tác hại của body shaming
Chẳng ai muốn bản thân bị đem ra bàn tán, chê nhạo cả. Khi ấy, họ không những cảm thấy tinh thần tồi tệ, tổn thương mà còn trở nên tự ti, khép kín hơn. Không mấy ai đủ mạnh mẽ khi bị body shaming, phần lớn giam mình trong phòng để soi xét những khiếm khuyết bản thân. Những cảm xúc tiêu cực không được giải toả khiến họ ngày càng mặc cảm, tự ti, ngại giao tiếp và dần xa lánh người khác. Trường hợp nặng hơn, có thể rơi vào trạng thái trầm cảm hay tự tử.
Hậu quả khác của body shaming chính là khiến nạn nhân bất chấp mọi cách để làm đẹp khi quá ám ảnh với những lời chê bai ngoại hình từ người khác. Họ sẽ tìm đến mọi phương thức khác nhau để khiến bản thân mình đẹp lên và lấy lại tự tin. Tuy nhiên, không phải biện pháp làm đẹp nào cũng an toàn, đôi khi có những cách nguy hiểm và phản khoa học như giảm cân bằng cách nhịn ăn, phẫu thuật thẩm mĩ tại những cơ sở không uy tín,… gây tổn hại không nhỏ đến sức khỏe và cả tính mạng.
6. Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ hãi khi bị body shaming?
Nhận thức được rằng "không ai hoàn hảo"
Để không bị ai chế giễu ngoại hình hay chế giễu người khác, bạn hãy tự thay đổi nhận thức của chính mình, hãy hiểu rằng, chẳng ai là người hoàn hảo trên đời này cả. Bạn không có quyền quyết định mình sinh ra đẹp hay xấu, vóc dáng ra sao. Đặc biệt, mỗi người sinh ra đều có nét đẹp riêng, không có bất kỳ quy chuẩn nào áp đặt lên người bạn được.
Bạn hãy bỏ ngoài tai những lời miệt thị, nhìn nhận những điểm tốt và khác biệt của mình, đôi khi những điểm tốt đó lại khiến bạn trở nên đặc biệt hơn. Bản thân chúng ta cũng không nên body shaming lại người khác để trả đũa, mà chỉ cần sống đúng với chính bản thân mình, với những thứ mà bạn cho rằng là hoàn hảo.
Tự chăm sóc bản thân
Cách thiết thực để bạn trở nên tốt hơn chính là học cách chăm sóc bản thân mình, yêu thương bản thân hơn, điều này sẽ giúp bạn tiếp nhận những lời nói tiêu cực sẽ nhẹ nhàng hơn rất nhiều.
Một số cách để chăm sóc bản thân như:
- Xây dựng chế độ ăn uống khoa học
- Luyện tập thể dục thể thao, tập yoga, thiền...
- Tham gia các hoạt động ngoài trời, đọc sách, giao tiếp nhiều hơn để suy nghĩ không bị rập khuôn
Thẳng thắn thể hiện cảm xúc bản thân
Body shaming là vấn đề đáng lên án trong toàn xã hội hiện nay. Chính vì thế khi gặp phải tình huống này, dù là nạn nhân, hay người ngoài cuộc, bạn cũng đừng nên im lặng. Thay vào đó hãy mạnh dạn lên tiếng, thẳng thắn thể hiện cảm xúc bản thân.
Ngoài ra, hãy thay đổi không khí u ám xung quanh mình bằng việc rủ bạn bè đi đâu đó, tâm sự về những điều khó nói. Khi được trải lòng, thì những suy nghĩ tiêu cực của bạn tức khắc sẽ được giải phóng.