Bụi mịn PM2.5: “Sát thủ vô hình” gây hại đến sức khỏe con người

Khiết Anh (Tổng hợp)
Không khí ô nhiễm tồn tại nhiều hạt bụi có kích cỡ vô cùng nhỏ từ 0,01 đến 5 micromet, đặc biệt là PM2.5 có thể đi thẳng vào mô, phế nang phổi gây nên các bệnh nguy hiểm về hô hấp.

Theo tiêu chuẩn của Tổ chức Y tế thế giới (WHO), cơ thể con người chỉ có cơ chế tự bảo vệ với bụi có kích thước lớn hơn 10 µm. Bụi mịn PM2.5 có đường kính nhỏ hơn 2.5µm sẽ gây hại đến sức khỏe con người.

Về bụi mịn PM2.5

Bụi hay hợp chất có trong bụi được gọi chung là Particulate Matter. Kí hiệu PM mà chúng ta vẫn thường thấy là viết tắt của thuật ngữ trên. Đối với bụi mịn PM2.5, chúng là các hạt bụi có đường kính nhỏ hơn hoặc bằng 2,5 µm, tồn tại ở dạng rắn hoặc lỏng rất nhỏ, lơ lưởng trong không khí.

Loại bụi này xuất hiện trong tự nhiên có nguồn gốc từ núi lửa, bão bụi cháy rừng, thực vật sống và hơi nước biển Các hoạt động của con người như đốt nhiên liệu hóa thạch trong các động cơ, các nhà máy nhiệt điện và các hoạt động công nghiệp khác cũng tạo ra một lượng bụi mịn đáng kể phát tán vào trong không khí.

Trên quy mô toàn cầu, các chất từ nguồn này hiện chiếm khoảng 10% trong bầu khí quyển Trái Đất. Sự gia tăng các hạt mịn trong không khí có mối liên hệ với các tai biến sức khỏe như bệnh tim, thay đổi chức năng phổi và ung thư phổi.

Ảnh hưởng của PM2.5 tới sức khỏe con người

Theo Bác sĩ Nguyễn Văn Thái, Trưởng khoa Hô hấp và bệnh phổi, Bệnh viện Đa khoa Hà Đông, người khỏe mạnh khi tiếp xúc với bụi mịn trong không khí có thể bị nghẹt mũi, viêm mũi, viêm họng và viêm phế quản. Nếu những người mắc bệnh tắc nghẽn phổi mãn tính, hen và viêm phế quản phải tiếp xúc với những hạt bụi này trong thời gian dài và thường xuyên thì rất có khả năng tình trạng bệnh sẽ quay trở lại, ảnh hưởng lớn đến đời sống sinh hoạt hằng ngày cũng như quá trình học tập và công tác.

Mỗi ngày chúng ta hít thở khoảng 10.000 lít không khí hoặc hơn tùy vào lứa tuổi và hoạt động thể lực. Do đó, nếu nồng độ bụi mịn PM2.5 trong không khí quá cao thì nguy cơ mắc bệnh về phổi là rất lớn.

“Đã có nhiều ngiên cứu được thực hiện trên thế giới cho thấy phơi nhiễm với bụi PM2.5 làm tăng nguy cơ bệnh tật và tử vong. Ví dụ phơi nhiễm với bụi PM2.5 làm tăng nguy cơ mắc bệnh hen suyễn, bệnh phổi tắc nghẽn mãn tính (COPD), viêm phổi, các chứng bệnh hô hấp, tim mạch, tiểu đường và ung thư phổi”- Tiến sĩ Trần Thị Tuyết Hạnh, Giảng viên Sức khỏe Môi trường, Trường Đại học Y tế Công cộng chia sẻ.

Theo một nghiên cứu của Giáo sư Christopher J L Murray và các cộng sự đăng trên tạp chí khoa học Lancet năm 2016, ô nhiễm không khí (trong đó có ô nhiễm bụi PM2.5) là nguyên nhân của 7 triệu ca tử vong hàng năm trên thế giới).

Ngoài ra, các chuyên gia của Cơ quan bảo vệ Môi sinh Mỹ (EPA) nhận định, bụi PM2.5 chứa nhiều kim loại nặng có khả năng gây ung thư hoặc tác động đến DNA và gây ra đột biến gen.

Làm gì để bảo vệ sức khỏe trước sự “tấn công” của bụi mịn PM2.5

Để hạn chế lượng bụi này xuất hiện trong không khí, đầu tiên chúng cần giảm triệt để các nguồn phát thải bụi không khí từ việc sử dụng bếp than, bếp củi và các thiết bị sản sinh khói bụi. Ưu tiên sử dụng các phương tiện giao thông và nhiên liệu thân thiện với môi trường.

Tránh xa các nguồn không khí ô nhiễm và mang khẩu trang lọc bụi chuyên dụng khi ra đường. Những loại khẩu trang đạt tiêu chuẩn của Viện quốc gia về an toàn và sức khỏe nghề nghiệp Mỹ (NIOSH) có kí hiệu N95, N99 hoặc đạt tiêu chuẩn châu Âu có kí hiệu FFP2, nếu dùng đúng cách có thể lọc được 85-99% hạt bụi có kích thước chỉ 0,3 micromet, ngăn được cả vi khuẩn và virus.

Nếu chỉ số lên quá cao (trên 200) thì nên hạn chế tối đa việc ra ngoài và các hoạt động ngoài trời. Ở trong nhà nên đóng kín cửa và sử dụng máy lọc không khí. Rửa tay thường xuyên, uống đủ nước và dùng dung dịch nước muối để làm sạch mũi mỗi khi trở về nhà.

Ngoài ra, các bạn có thể nâng cao hệ miễn dịch bằng chế độ dinh dưỡng rau xanh, trái cây giàu vitamin A, C và beta-caroten, giúp hình thành và duy trì lớp niêm mạc ở đường hô hấp và đường tiêu hóa.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Bụi mịn PM2.5: “Sát thủ vô hình” gây hại đến sức khỏe con người tại chuyên mục Cẩm nang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Cẩm nang khác

Khi đói cần tránh ăn những loại quả nào?

Trái cây là món quà của thiên nhiên dành cho sức khỏe của chúng ta. Tuy nhiên, việc chọn lựa thời điểm ăn trái cây cũng quan trọng không kém việc chọn loại trái cây nào phù hợp với cơ địa của mỗi người.