Cách chọn và bảo quản mứt Tết an toàn cho sức khỏe

Mứt Tết là món truyền thống không thể thiếu trong phong tục đón Tết cổ truyền của mỗi gia đình người Việt. Tuy nhiên, cách chọn mứt làm sao để an toàn thì không phải ai cũng biết.

Cách chọn mua mứt Tết an toàn

Về nguồn gốc

Bạn nên chọn sản phẩm có thương hiệu uy tín trên thị trường, quen thuộc với người tiêu dùng. Khi mua cần phải cẩn trọng kiểm tra mã vạch, đọc kỹ bao bì của hàng hóa, tránh mua nhầm hàng giả, hàng nhái. Đồng thời, cần phải so sánh giá cả giữa các loại. Bạn có thể mua ở các siêu thị, trung tâm thương mại lớn, uy tín hoặc những cửa hàng bánh kẹo chất lượng với mức giá không chênh lệch quá cao so với những nơi khác, nhưng luôn đảm bảo được sức khỏe cho người sử dụng.

Không nên mua mứt Tết bán theo cân, theo ký vì hầu hết chúng đều là sản phẩm giá rẻ, không có địa chỉ nơi sản xuất, không có thương hiệu, thành phần, hạn sử dụng hay cách bảo quản gì cả.

Nhiều người nghĩ việc này không cần thiết nhưng ta nên yêu cầu người bán cung cấp các công bố sản phẩm của họ đang kinh doanh phù hợp với quy định an toàn thực phẩm, phải có ký hiệu, số thứ tự, năm cấp, tên viết tắt của tỉnh, thành phố.

Ảnh minh họa: Internet
Ảnh minh họa: Internet

Về màu sắc

Không nên chọn loại có màu sắc bắt mắt, sặc sỡ vì phần nhiều chúng đã được bỏ thêm nhiều màu công nghiệp chứa kim loại nặng, chất bảo quản vào sản phẩm, có thể gây ảnh hưởng sức khỏe như: bệnh về ung thư, rối loạn tiêu hoá, thần kinh,..

Với những loại mứt khô thì ta nên chọn loại có màu sắc tự nhiên. Chú ý, nên mua sản phẩm bao bì còn nguyên vẹn, được bày bán ở nơi thoáng mát, sạch sẽ, mới sản xuất và còn hạn sử dụng. Ngoài ra, có thể dùng các giác quan như: nhìn, ngửi, sờ, nếm… để phát hiện mứt có mùi hôi, chảy nước, mùi chua hay không.

- Mứt gừng: Nên chọn mua lát gừng hơi cong, ăn thử có vị cay nồng và màu ngả vàng. Không nên mua loại màu trắng vì phần nhiều đã bị tẩy.

- Mứt bí: Chọn loại có màu trắng, không nên vì bắt mắt mà chọn loại nhuộm sang màu khác.

- Mứt hạt sen: Cần chọn mứt còn nguyên hạt, không bị vỡ và không dính vào nhau.

- Mứt dừa: Nên chọn loại màu trắng đục nguyên bản, ăn giòn, tránh mua mứt đã nhuộm phẩm màu hồng, xanh,…

Về hạn sử dụng

Hạn chế mua các giỏ quà gói sẵn vì thông thường, chúng đều là sản phẩm cận hạn sử dụng hay sản phẩm nhái giả mà ít người tiêu dùng nhận biết được. Vì thế, ta nên mua riêng từng loại và yêu cầu người bán gói.

Không mua mứt có thông tin hạn sử dụng dài trên 1 năm. Thông thường, các loại mứt chỉ có thời hạn 1 tháng, nếu việc được quảng cáo có thể dùng được trên 3 tháng thì bạn cần cân nhắc thật kỹ.

Về độ ẩm

Mứt có chất bảo quản cao sẽ gây độc hại hơn cho người tiêu dùng. Thông thường, nếu mứt được sấy khô tốt và có độ ẩm dưới 5% thì các vi khuẩn, nấm mốc sẽ chậm phát triển. Còn đối với những loại có độ ẩm từ 8 – 9%, vi khuẩn và nấm mốc sẽ dễ dàng phát triển, bắt buộc nhà sản xuất phải cho thêm chất bảo quản vào để vi khuẩn khỏi xâm nhập.

Một số lưu ý khi bảo quản và ăn mứt Tết

Các nguyên liệu làm mứt hầu hết là các thực phẩm dinh dưỡng, chứa nhiều thành phần tốt cho cơ thể, tuy nhiên khi làm mứt thường sử dụng nhiều đường để món mứt được ngấm, dẻo, kết tinh đẹp mắt do đó đặc tính của mứt là rất nhiều đường. Vì vậy khi sử dụng mứt cần chú ý những vấn đề sau để không ảnh hưởng tới sức khỏe.

- Lựa chọn mứt được chế biến đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm từ những nơi sản xuất uy tín. Tránh mua phải những loại mứt nhập khẩu không rõ nguồn gốc hoặc chế biến gia công sử dụng các loại phụ gia có hại cho sức khỏe.

- Một số nơi làm mứt hand-made với số lượng nhiều có thể khó kiểm soát được khâu vệ sinh, quá trình bảo quản không đạt tiêu chuẩn nên sản phẩm dễ bị nhiễm tạp chất hoặc vi khuẩn gây một số bệnh đường tiêu hóa, gây hại cho sức khỏe.

- Lượng đường trong mứt khá cao nên không phù hợp với người có bệnh mạn tính như đái tháo đường, béo phì, mỡ máu cao hay người muốn giảm cân. Nếu vẫn muốn thưởng thức món mứt cổ truyền, những người này chỉ nên ăn với một lượng rất nhỏ.

- Trẻ em, phụ nữ mang thai, người lớn tuổi không nên ăn nhiều mứt dễ gây đầy bụng và làm giảm cảm giác đói do lượng calo rỗng, do đó cần hạn chế ăn mứt gần với 2 bữa ăn chính trong ngày.

- Với người bình thường, để đảm bảo sức khỏe tốt nhất không nên ăn quá nhiều mứt cũng như các loại đồ ngọt khác. Ngày Tết nên ăn thêm các loại trái cây tươi xen kẽ các bữa ăn như dưa hấu, cam, quýt, bưởi, hồng, dâu tây...; các loại hạt ngũ cốc hoặc quả hạch như hạt bí, hạt hướng dương, hạt điều...

Bạn cũng cần biết cách bảo quản những loại mứt Tết để sử dụng được lâu dài mà không bị hỏng, nhất là trong thời tiết nồm ẩm những ngày xuân miền Bắc:

- Đối với những loại mứt như dừa, bí, gừng không nên để tiếp xúc quá lâu với không khí sẽ dễ bị chảy nước. Do đó, chỉ lấy một lượng đủ dùng ra đĩa hoặc khay. Phần còn lại cho vào túi nilon buộc kín hoặc để trong hộp, tránh để mứt tiếp xúc với không khí bên ngoài.

- Đối với các loại mứt hơi ướt như mứt quất, mứt sấu, mứt mận, sau khi mở túi hoặc hộp cần bảo quản trong ngăn mát tủ lạnh. Mỗi lần dùng lấy ra đĩa nhỏ một lượng đủ dùng. Trước khi bảo quản phần mứt còn lại bạn nên sên lại để tránh mứt dễ bị hư hỏng.

- Không nên để mứt ở gần bếp, gần nguồn nhiệt hay tiếp xúc trực tiếp với ánh nắng mặt trời. Nhiệt độ quá thấp hoặc quá cao đều ảnh hưởng trực tiếp đến chất lượng của mứt.

(Theo KT&ĐT)

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cách chọn và bảo quản mứt Tết an toàn cho sức khỏe tại chuyên mục Hành Trang của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Hành Trang khác

Bảng chữ cái tiếng Anh được hình thành như thế nào?

Một biểu đồ nho nhỏ do Matt Baker của trang Useful Charts đã cho thấy, kỳ thực bảng ký tự tiếng Anh mà chúng ta sử dụng ngày nay đã có nguồn gốc từ những ký tự tượng hình của người Ai Cập cổ đại gần 4.000 năm trước (khoảng năm 1750 trước Công Nguyên).