Cảm giác như bị đánh, sụt gần 13kg sau khi bị muỗi đốt

Anh Thắng bị sốt xuất huyết nhưng nhầm với sốt virus nên chủ quan. Người đàn ông to khỏe trải qua 10 ngày đáng sợ, sụt 13 kg.

Cảm giác như bị đánh nhừ tử

Dù đã khỏi bệnh, anh Nguyễn Đức Thắng (31 tuổi, Thanh Trì, Hà Nội) vẫn ám ảnh về 10 ngày điều trị sốt xuất huyết. Cuối tháng 11, vợ và con trai của anh bị sốt và làm xét nghiệm, bác sĩ chẩn đoán sốt virus thông thường. 

Sau đó, anh Thắng có biểu hiện sốt rét, đắp hai chăn bông người vẫn lạnh. Hôm sau, anh chuyển sang sốt nóng, nhiệt độ cao hơn 39 độ C. Người ê ẩm toàn thân, hai mắt đau nhức như có ai đánh, anh không thể ngủ. Anh uống thuốc hạ sốt người mát dần nhưng 2-3 tiếng sau cơn sốt quay trở lại. 

Miệng đắng ngắt, không nuốt nổi thứ gì, người mệt lả nhưng anh Thắng vẫn cho rằng mình bị sốt thông thường vì nhà sạch sẽ, không có nước tù đọng, không có muỗi. 

Bốn ngày sau, anh Thắng cắt sốt nhưng người mệt, chán ăn, cảm giác bủn rủn, đi lại khó nhọc, chân tay khô ráp. Anh lướt mạng thấy một người bạn chia sẻ về bệnh sốt xuất huyết, thấy mình có các triệu chứng tương tự. Anh gọi dịch vụ xét nghiệm tại nhà, chỉ hai tiếng sau, bác sĩ gọi điện cho anh yêu cầu nhập viện ngay. Theo đó, anh Thắng bị sốt xuất huyết, tiểu cầu đã giảm chỉ còn dưới 30.000/micro/lít máu. Số lượng tiểu cầu trung bình trong máu ở khoảng 150.000 - 450.000/micro/lít máu. 

Khi vào bệnh viện, anh Thắng gặp nhiều bệnh nhân trẻ sốt xuất huyết. Có gia đình hai vợ chồng cùng điều trị, đều giảm tiểu cầu, cô đặc máu. 

Anh Thắng được bác sĩ truyền dịch nhưng người vẫn mệt mỏi, miệng khô đắng kèm theo nôn, xuất huyết dưới da gây ngứa. Cả đêm anh không ngủ được, thoa kem dưỡng ẩm vẫn không giảm được cơn ngứa gãi rách da, rách thịt. Bác sĩ nói rằng đây là giai đoạn phục hồi nhưng cảm giác kinh khủng chẳng kém lúc sốt cao.

10 ngày điều trị sốt xuất huyết, người đàn ông nặng 91 kg đã sụt gần 13 kg. Anh Thắng cho biết “hai năm nay tôi đi bộ, chạy và thi thoảng bơi không giảm cân nhưng một con muỗi đốt, tôi sụt cân nhanh chóng”. Trước đây, anh Thắng luôn nghĩ rằng "sốt nào cũng là sốt" nhưng thời điểm hiện tại anh nhắn nhủ cộng đồng không nên chủ quan với bệnh này.

Bệnh nặng vì chủ quan

Thạc sĩ, bác sĩ Phạm Văn Phúc - Khoa Hồi sức tích cực, Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương (Hà Nội) cho biết, năm nay số lượng bệnh nhân nặng nhập viện tăng lên, rất đa dạng biến chứng. Nhiều người vào viện trong tình trạng chảy máu, suy gan, suy thận, viêm cơ tim, viêm phổi, viêm não, có nhiều bệnh nhân trẻ.

Theo bác sĩ Phúc, người trẻ thường có tâm lý chủ quan. Những ngày đầu tiên, người bệnh sốt rất cao, mệt mỏi rồi sang giai đoạn hết sốt. Tuy nhiên, đây mới là thời điểm xuất hiện biến chứng và chủ quan có thể dẫn tới hậu quả nặng nề, thậm chí nguy hiểm tính mạng.

Sốt xuất huyết là dịch bệnh theo mùa, Hà Nội đều ghi nhận có dịch hằng năm. Bệnh có triệu chứng ban đầu giống như mắc các virus khác nhưng có biến chứng xuất huyết, giảm tiểu cầu, cô đặc máu.

Theo đánh giá của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật (CDC) Hà Nội, dịch sốt xuất huyết năm 2023 bắt đầu gia tăng từ tháng 6-7 và đạt đỉnh vào tháng 10-11. Hà Nội đã qua đỉnh dịch nhưng vẫn ghi nhận khoảng 2.000 ca mắc/tuần. Từ đầu mùa dịch tới nay, Hà Nội ghi nhận hơn 37.000 ca mắc và 4 ca tử vong. Hiện còn 88 ổ dịch sốt xuất huyết tại 19 quận, huyện, thị xã. 

CDC đánh giá số ca mắc sốt xuất huyết có xu hướng giảm trong 4 tuần gần đây, vì thời tiết lạnh hơn không thuận lợi cho muỗi truyền bệnh phát triển. Dù vậy, người dân vẫn không được chủ quan. Nếu có dấu hiệu sốt cao phải đến bệnh viện sớm để theo dõi và điều trị, tránh biến chứng nguy hiểm.

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

  • Tags
Bạn đang đọc bài viết Cảm giác như bị đánh, sụt gần 13kg sau khi bị muỗi đốt tại chuyên mục Tư Vấn - Chia Sẻ của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Tư Vấn - Chia Sẻ khác

Những loại đồ uống gây "nguy hiểm" cho xương của bạn

Thực phẩm mà bạn tiêu thụ hàng ngày có thể ảnh hưởng đến xương của bạn. Bên cạnh các loại thực phẩm giàu Canxi, Vitamin D và các chất dinh dưỡng khác quan trọng cho sức khỏe xương, vẫn có những loại thực phẩm và đồ uống làm giảm sự hấp thụ Canxi và khiến xương, răng của bạn yếu hơn.

"Bật mí" những cách trị sẹo thâm ở chân nhanh và an toàn

Sẹo thâm được tạo nên khi vùng da bị tổn thương nhưng không được bảo vệ, chăm sóc đúng cách. Để cho da bị ảnh hưởng trực tiếp từ ánh nắng mặt trời và bụi bẩn, vi khuẩn môi trường. Khiến cho da tổn thương sản sinh nhiều sắc tố melanin hình thành sẹo thâm, sẫm màu.