Cảm phục sáng kiến cô giáo giúp học sinh hiểu rõ chính tả tiếng Việt

Vũ Hồng Loan
Nhờ có sáng kiến của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai, Trường Dân tộc Nôi trú Mèo Vạc, Hà Giang đã giúp học sinh và giáo viên thuận lợi hơn trong việc dạy và học tiếng Việt.

Từ việc không thể nghe chuẩn xác

Cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai lên nhận công tác tại Trường Dân tộc Nội trú Mèo Vạc, Hà Giang ngay sau khi tốt nghiệp khoa Ngữ Văn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, với niềm vui được làm việc tại chính ngôi trường mẹ cô đã từng gắn bó cả cuộc đời dạy học.

Được dạy dỗ và gắn bó với các bạn học sinh dân tộc thiểu số, cô giáo Mai nhận thấy vấn đề của các bạn khi tiếp cận với môn Ngữ Văn chính là cách phát âm chưa chuẩn chính tả, nguyên nhân là do ảnh hưởng của cách phát âm tiếng địa phương.

Cô Mai chia sẻ, những ngày đầu dạy các bạn, cô gặp rất nhiều khó khăn trong việc nghe học sinh nói và đọc các bài viết của học sinh, thậm chí đã có lúc cô hiểu ngược hoàn toàn ý của các bạn. Lỗi thường gặp trong phát âm của các bạn là thiếu hoặc thừa các phụ âm, không chính xác âm thanh từ các từ, phát âm sai các thanh điệu.

"Tôi cho rằng nhiệm vụ của mỗi giáo viên dạy môn Ngữ Văn là qua những bài học, tiết học phải dạy được cho học sinh nói chính xác tiếng nói dân tộc Việt, hiểu được các nghĩa của các từ trong tiếng Việt, đồng thời giáo dục được tình yêu tiếng mẹ đẻ cho học sinh, giáo dục các bạn ý thức giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt" - Cô giáo Mai tâm sự.

Đó chính là xuất phát điểm để cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai bắt tay thực hiện sáng kiến kinh nghiệm "Rèn cách phát âm chuẩn chính tả cho học sinh THCS vùng cao qua dạy bộ môn Ngữ Văn".

Cô giáo Đặng Thị Hồng Mai trao giải thưởng cho các bạn học sinh tham gia hội thi nét đẹp dân tộc.

Đến 6 khóa học sinh phát âm chuẩn

Đi thẳng vào từng vấn đề hạn chế trong phát âm của học sinh, đề tài của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai đã có những giải pháp thiết thực và hữu hiệu.

Đối với lỗi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm, giáo viên phát hiện luôn lỗi và ghi trên bảng, sau đó ghi lại từ đúng để cho học sinh so sánh nghĩa các từ, các bạn sẽ nhận ra khi phát âm thừa hoặc thiếu các phụ âm thì các từ đó sẽ biến đổi nghĩa.

Trong quá trình cho các bạn đọc văn bản trên lớp nếu phát hiện lỗi cô giáo sẽ chỉnh sửa ngay cho các bạn và giải thích nghĩa cặn kẽ của từ các bạn đọc sai và từ đọc đúng.

Trước thắc mắc "nếu trong một lớp mà có nhiều bạn cùng phát âm không chuẩn hoặc trong một văn bản có nhiều từ thuộc nhóm phát âm khó với các bạn thì một tiết học làm sao đảm bảo được về mặt thời gian để uốn nặn như vậy", cô giáo Mai cho biết: "Cô và các giáo viên khác cũng biết điều này nên sau mỗi tiết học đều yêu cầu các bạn tự sửa cho nhau trong giao tiếp hàng ngày và đưa ra những bài học cụ thể để học sinh tự chỉnh sửa như đọc thuộc lòng chính xác một bài thơ hay đoạn văn, viết một đoạn văn, sau đó sẽ kiểm tra và nhận xét trong giờ phụ đạo".

Sau 6 năm triển khi trong thực tế giảng dạy, giờ sáng kiến kinh nghiệm của cô giáo Đỗ Thị Hồng Mai đã trở thành một phần trong mỗi tiết học, bài học của tất cả các cô giáo dạy môn Ngữ Văn ở Trường Dân tộc Nội trú huyện Mèo Vạc.

Cô Mai vui mừng chia sẻ: "Sáng kiến giúp học sinh phát âm chuẩn chính tả không còn là của cá nhân cô nữa mà từng năm học lại được hoàn thiện thêm nhờ các giáo viên trong tổ bộ môn. Trong đó có rất nhiều ý tưởng mới hay và thiết thực lắm".

Chục năm gắn bó với vùng cao Hà Giang, khi được hỏi có muốn chuyển công tác về nơi thuận lợi hơn như về quê ở huyện Sơn Dương, Tuyên Quang chẳng hạn, cô giáo Mai lắc đầu quả quyết: "Không, cô sẽ mãi chọn nơi này".

Không chọn sao được khi đã yêu và gắn bó với học sinh qua từng lời ăn tiếng nói mỗi ngày. Cái được lớn nhất trong sáng kiến đầy ân tình của cô giáo Mai đó là đã tạo ra một nền tảng cân bằng cho các bạn học sinh vùng cao, vùng khó với học sinh vùng thấp, vùng thuận lợi bắt đầu từ việc tưởng chừng rất đơn giản, nói đúng từ và hiểu đúng nghĩa.

Theo Dân Trí

Đọc báo điện tử Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng nhanh chóng, thuận tiện và an toàn hơn trên các thiết bị di động với Ứng dụng TNTP&NĐ Online

Tải ngay ứng dụng TNTP&NĐ Online TẠI ĐÂY

Bạn đang đọc bài viết Cảm phục sáng kiến cô giáo giúp học sinh hiểu rõ chính tả tiếng Việt tại chuyên mục Góc nhìn của Báo Thiếu niên Tiền phong và Nhi đồng. Mọi thông tin góp ý và chia sẻ, xin vui lòng gửi về hòm thư banbientap@thieunien.vn.

Bài liên quan

Bài Góc nhìn khác

Lịch nghỉ hè 2024 của học sinh 63 tỉnh thành

Hầu hết các địa phương tổ chức bế giảng năm học 2023 - 2024 trước ngày 31/5 và cho học sinh nghỉ hè bắt đầu từ 1/6. Tùy thuộc thời gian bế giảng sớm hoặc muộn hơn, cuối tháng 5, các trường sẽ cho học sinh nghỉ hè.