CÂY XANH TRONG NHÀ THẬT TUYỆT
Các bạn biết không, cây cối góp phần làm tăng độ ẩm không khí, bởi khi một giọt nước xâm nhập vào rễ cây, nó sẽ di chuyển lên thân qua hệ thống mao mạch rồi hòa lẫn vào không khí.
Khi độ ẩm không khí tăng, các chất có hại cho sức khỏe như bụi và phấn hoa sẽ giảm vì hơi ẩm khiến những hạt nhỏ li ti nặng hơn và rơi xuống dưới. Một điều nghịch lý là thực vật ngoài trời là một trong những tác nhân gây dị ứng cho con người, trong khi cây cối trong nhà giúp chúng ta ngăn chặn hiện tượng dị ứng.
NHÀ CHIM KHÔNG KHOÁI TRÒ “Ô TÔ ĐỤNG”
Trong khi anh em tớ và cả lô lốc các anh/chị/em họ mê trò ô tô đụng thì ngược lại… các loài chim hầu như chẳng bao giờ đụng vào nhau khi bay.
Đừng tưởng tớ đùa nhé, chim rất giỏi trong việc tránh va chạm đầu với những bạn chim khác bằng cách luôn rẽ phải, hoặc trong một số trường hợp thay đổi độ cao để không bay ngang hàng với nhau.
Một nhóm nhà khoa học tại Đại học Queensland, Australia đã tiến hành tìm hiểu… Nhóm nghiên cứu làm thí nghiệm với 10 con chim, cụ thể là vẹt đuôi dài. Họ đặt những con chim vào hai đầu một đường hầm và cho chúng bay ngược chiều nhau tất cả 102 lần. Kết quả thật thú vị, những con chim không bao giờ đụng nhau khi bay.
Mandyam Srinivasan, tác giả nghiên cứu, nói: “Giao thông hàng không đang ngày càng phát triển. Để trang bị hệ thống lái tự động hiệu quả cho các máy bay có người lái và không người lái, chúng ta cần áp dụng những bài học thực tế từ thiên nhiên”.
SỎI THẬN & TÀU LƯỢN
Rất có thể bạn thấy khó tin, nhưng có một số người thấy mình đã đẩy được những viên sỏi thận ra ngoài nhờ việc đi tàu lượn.
David Wartinger, giáo sư về tiết niệu tại Đại học bang Michigan, Mỹ đã chia sẻ với Science Daily: “Về cơ bản, một số bệnh nhân kể lại với tôi rằng, sau khi đi tàu lượn tại Walt Disney World, họ đã đẩy được sỏi thận ra ngoài, thậm chí có người còn đẩy được ba viên”,
Wartinger tiến hành thử nghiệm với sỏi thận nhỏ hơn 4 mm trong mô hình thận 3D. Sau hơn 20 lần đi tàu lượn, viên sỏi đã được đẩy ra ngoài thành công.
BonBon (theo Internet)